Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh trong thời gian tới đang đặt ra thách thức không nhỏ với quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực của tỉnh...
Trạm biến áp 110kV Đại An do Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương
đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2009. Ảnh: Thành Chung
Nhu cầu phụ tải không ngừng tăngLà một trung tâm kinh tế, văn hoá của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, tỉnh ta có hàng loạt các khu công nghiệp (KCN) đã và đang xây dựng. Dự kiến đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 13 KCN, với tổng diện tích 2.850ha. Trên cơ sở quy hoạch phân loại các vùng phụ tải, nhu cầu đầu tư hệ thống lưới điện rất lớn. Trong những năm tới, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương ... có tốc độ phát triển công nghiệp rất mạnh, nhiều khu công nghiệp, cùng nhiều khu đô thị và các khách sạn, nhà hàng... đòi hỏi phải sớm quy hoạch đầu tư các hệ thống trạm biến áp (TBA) và lưới điện dự nguồn, đặc biệt mở rộng các TBA 100kV, 35kV. Vùng phụ tải Kinh Môn có khu công nghiệp Nhị Chiểu, cụm công nghiệp Hiệp Sơn... luôn sử dụng sản lượng điện lớn. Thực tế này đang đặt ra thách thức không nhỏ với quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực của tỉnh.
Theo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, năm 2010 sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt gần 2,16 tỷ kWh, tăng gần 17,7% so với kế hoạch năm và tăng hơn 29,7% so với năm trước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt gần 1,85 tỷ kWh, tăng trưởng 16,2 %, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (10,85%). Trong đó, điện phục vụ sản xuất công nghiệp chiếm hơn 70% và luôn tăng trưởng cao, gần 17,4 %. Ông Nguyễn Trọng Hữu, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện năng và mở rộng phụ tải cho các vùng nông thôn cũng như các khu kinh tế trọng điểm, ngành điện đã có phương án, chuẩn bị kế hoạch chủ động. Ngay trong đầu tư phát triển lưới điện giai đoạn trước (giai đoạn 2006-2010), ngành điện đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hàng trăm km đường dây 220kV, 110kV và đường dây trung áp. Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống các TBA, hiện có 12 TBA có tổng công suất lên tới 808,5 MVA, bảo đảm gần gấp đôi nhu cầu hiện tại. Ngoài ra, việc nâng cấp cải tạo hệ thống điện bảo đảm nhu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định cũng được quan tâm. Lưới điện quốc gia đã phủ kín đến tất cả các khu vực trung tâm xã, thị trấn trong tỉnh, cấp đến toàn bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm khai thác, sản xuất và bảo đảm nhu cầu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành điện, hiện nay, do nhu cầu phát triển phụ tải nhanh, một số tuyến đường dây 35kV đang nằm trong tình trạng quá tải, gây tổn thất điện lớn và tăng khả năng xảy ra sự cố. Đặc biệt, nhiều TBA 110kV đang nằm trong tình trạng quá tải, nếu như không có sự đầu tư sẽ không đáp ứng được nhu cầu tăng phụ tải trong những năm tới.
Đón đầu sự phát triển... Từ đầu năm 2010, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai xây dựng quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011- 2015, có xét đến 2020 (còn gọi tắt là quy hoạch điện VII). Quy hoạch này vừa được Bộ Công thương phê duyệt cuối tháng 7-2011. Mục tiêu của quy hoạch điện VII của tỉnh là phát triển cân đối hài hoà hệ thống điện mang tính đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện, cung cấp cho phụ tải với chất lượng điện tốt, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng chính là cơ sở để triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015.
Dự báo, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2011-2015 bình quân hằng năm sẽ là 13,4%/năm, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,3%/năm, thương mại - dịch vụ tăng 16,3%/năm... Công suất cực đại giai đoạn này là 750 MW. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến công suất cực đại sẽ tăng gần gấp đôi (1.390 MW) và tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm vẫn tăng thành bình quân 14 %. Quy hoạch điện VII của tỉnh nhằm đón trước sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Trong đó chú trọng nhất là hạ tầng kỹ thuật điện lực, đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện năng của tỉnh. Lưới điện 110kV và 220kV sẽ được thiết kế mạch kép, bảo đảm dự phòng cho những năm tiếp theo và hệ thống truyền tải trung thế về cấp điện lâu dài. Trong giai đoạn này xây dựng mới và cải tạo 19km đường dây 220kV, 49,4 km đường dây 110kV, tổng dung lượng xây dựng mới và cải tạo trạm 220kV là 500MVA và trạm 110kV là 397MVA... Dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới 2.759 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quang Hiển, Trưởng Phòng Kế hoạch và đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương) cho biết, với khối lượng công việc lớn mà quy hoạch đưa ra, cần có các cơ chế hỗ trợ đầu tư thích hợp nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện. Hiện nay, một trong những trở ngại lớn khi triển khai đầu tư công trình điện 220/110kV là thoả thuận tuyến dây truyền tải và bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do quỹ đất của tỉnh ngày càng eo hẹp và yêu cầu đất để phát triển đô thị rất cao, do đó thường ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các công trình lưới điện. Ngoài ra, đơn giá bồi thường thường thấp hơn thực tế cũng khó tạo đồng thuận từ phía người dân.
Để tạo thuận lợi cho việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, các cấp, ngành liên quan cần tạo điều kiện vật chất thuận lợi, đồng thời tích cực phối hợp với ngành điện tháo gỡ khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
THÀNH LONG