Thực trạng nuôi cá lồng ồ ạt, khó kiểm soát đang yêu cầu tỉnh sớm ban hành quy hoạch về ngành nghề này.
Nhiều lồng cá từng bị trôi sông trong bão lũ. Ảnh tư liệu
Do hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần các ngành nghề khác nên số lượng hộ nuôi cá lồng và lồng cá trên địa bàn tỉnh tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi ngành chức năng sớm có quy hoạch để tránh những rủi ro. Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 năm triển khai, các ngành chức năng vẫn chưa lập xong quy hoạch, gây khó khăn trong quản lý ở cơ sở.
Phát triển ồ ạtNăm 2009, lần đầu tiên cá lồng xuất hiện ở tỉnh ta do hai cá nhân ở xã Nam Tân (Nam Sách) đưa về. Đây là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã nhanh chóng thu hút người dân trong và ngoài huyện đến học hỏi và làm theo. Sau 8 năm phát triển, số hộ nuôi cá lồng và số lồng cá đã tăng mạnh. Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2013, tỉnh ta chỉ có 38 hộ nuôi cá lồng với 560 lồng, tổng thể tích lồng nuôi đạt 60.480 m3. Nhưng đến hết tháng 6-2016, toàn tỉnh có tới 188 chủ lồng thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố nuôi 2.122 lồng cá, tổng thể tích lồng nuôi là 234.648 m3. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh nhận định xu thế nuôi cá lồng vẫn tiếp tục tăng, chủng loại cá nuôi ngày càng đa dạng, phong phú như cá lăng, diêu hồng, trắm cỏ, cá chép giòn...
Theo Dự án “Phát triển thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015” ban hành từ năm 2011, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015 có từ 300-350 lồng nuôi với tổng thể tích từ 24.000-28.000 m3. Như vậy, ngay từ năm 2013 số lượng lồng nuôi cá đã vượt quá chỉ tiêu. Số lượng lồng cá vượt nhanh đã xuất hiện bất cập cho chính người nuôi. Bà Nguyễn Thị Vân, một chủ hộ nuôi cá lồng ở xã Nam Tân cho biết: "Trước đây, khi còn ít hộ nuôi cá lồng, sản lượng ở mức vừa phải thì giá cá cao, dễ bán còn hiện nay cung đã vượt cầu nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Chúng tôi hay bị tư thương ép bán với giá thấp. Hiện giá cá lăng chấm là 58.000 đồng/kg, cá trắm loại 3kg/con trở lên cũng chỉ có 60.000 đồng/kg, chép từ 57.000-58.000 đồng/kg, đều giảm mạnh so với 1-2 năm trước đây". Không chỉ thế, việc nuôi cá lồng ồ ạt còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến hành lang an toàn thoát lũ.
Mong sớm có quy hoạchTheo bà Vũ Thị Thu, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Hải Dương, số lượng cá lồng trên địa bàn thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung phát triển quá nhanh trong thời gian vừa qua. Cơ quan chức năng cần sớm có định hướng phát triển. Đến nay, toàn thành phố đã có trên 400 lồng cá, tập trung chủ yếu ở xã Nam Đồng và phường Ngọc Châu. "Để tránh những hậu quả đáng tiếc do phát triển cá lồng ồ ạt, Phòng Kinh tế thành phố đã chỉ đạo tạm dừng việc mở rộng nuôi cá lồng. Tuy nhiên, nhu cầu nuôi cá lồng của người dân vẫn rất lớn, nhiều người liên tục hỏi đến khi nào thì thành phố cho phép người dân được nuôi mới. Chúng tôi rất mong tỉnh nhanh chóng ban hành quy hoạch nuôi cá lồng, trong đó quy định cụ thể vị trí, địa điểm, số lồng cụ thể được nuôi để chúng tôi sớm có câu trả lời cho người dân", bà Thu cho biết.
Cũng giống như ở TP Hải Dương, hiện nay xã Nam Tân đang rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân không nên mở rộng nuôi cá lồng. Ông Bùi Hữu Chỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Nam Tân cho biết: "Do nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, 1 lồng cá có thể cho lãi cả trăm triệu đồng/năm, gấp nhiều lần các hình thức nuôi và các công việc khác nên số lượng người có nhu cầu nuôi mới và mở rộng lồng nuôi ở địa phương luôn tăng. Toàn xã hiện có trên 1.000 lồng nuôi cá và người dân vẫn có xu hướng mở rộng thêm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có một căn cứ pháp lý nào để ngăn cản người dân không được nuôi. Vì thế, chúng tôi đang trông đợi tỉnh sớm ban hành quy hoạch, để hướng dẫn người dân nuôi cho đúng vị trí, đúng số lượng, tránh tình trạng cả đoạn sông dày đặc lồng cá như hiện nay".
Trước thực trạng nuôi cá lồng phát triển chóng mặt như thời gian qua, từ năm 2014, tỉnh đã có chủ trương xây dựng "Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" do Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện. Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, bản quy hoạch đã được chuyển tới các sở, ban, ngành của tỉnh để đóng góp ý kiến. Sau khi sửa lại, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản sẽ báo cáo UBND tỉnh nghe và cho ý kiến. Sau khi chỉnh sửa xong, tỉnh sẽ ban hành cho các ngành, địa phương thực hiện. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, bản quy hoạch sẽ được công bố.
Nếu quy hoạch trên khả thi thì đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ phát triển 2.600 lồng nuôi cá. Người dân chỉ được phép nuôi cá lồng ở những nơi có vị trí sâu từ 3m trở lên, thuộc các sông Kinh Thầy, Thái Bình... Vị trí nuôi không thuộc quy hoạch cảng đường thủy nội địa, không ảnh hưởng đến hoạt động của các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, không nuôi ở các vị trí lấy nước sinh hoạt và đặc biệt là phải bảo đảm vệ sinh môi trường.
Để người dân yên tâm sản xuất và cơ quan chức năng có căn cứ quản lý việc nuôi cá lồng, đề nghị các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm ban hành Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông.
THANH HÀ