Quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2020: Quan tâm lợi ích của nông dân

30/04/2011 14:03

Thực hiện tốt quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2020 tỉnh ta sẽ khắc phục được những khó khăn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh.

Nhà nước sẽ bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa. Tỉnh sẽ thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn... đó là những định hướng được đề cập trong quy hoạch "Diện tích đất trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".


Theo quy hoạch đến năm 2020, đất trồng lúa còn 58 nghìn héc-ta, diện tích cây thực phẩm sẽ mở rộng đạt khoảng 40 nghìn héc-ta để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Lê Lợi (Gia Lộc) chăm sóc rau xuân hè
Khó khăn trong bảo đảm an toàn lương thực

Năm 2010, diện tích đất trồng lúa của tỉnh có 66,6 nghìn héc-ta, giảm 3,6 nghìn héc-ta so với năm 2005 (xấp xỉ một nửa diện tích lúa của huyện Ninh Giang). Diện tích lúa giảm để phục vụ nhu cầu phát triển giao thông, đô thị và các mục đích khác. Do diện tích lúa giảm mạnh nên sản lượng lương thực năm 2010 đã giảm khoảng 26 nghìn tấn so với năm 2005. Năng suất lúa gần như không tăng trong 5 năm vừa qua, chỉ dao động ở mức 58-61 tạ/ha. Trong những năm tới, diện tích đất lúa tiếp tục thu hẹp, trong khi khâu sản xuất nhìn chung vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài khâu làm đất, tưới tiêu, người trồng lúa chủ yếu sản xuất thủ công, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận của nông dân còn thấp. Đây là một thách thức với việc bảo đảm an toàn lương thực.

Trồng lúa chịu ảnh hưởng mạnh của thời tiết, thiên tai. Những năm gần đây, nhiều loại sâu, bệnh lạ xuất hiện đe doạ năng suất cây trồng. Công tác quản lý đất lúa còn chưa chặt chẽ, một phần diện tích đất lúa chuyển sang mục đích sử dụng khác nhưng không theo quy hoạch, kế hoạch. Các vùng sản xuất lúa chưa được xác định cụ thể. Việc chế biến, bảo quản sản phẩm chưa được quan tâm. Công tác quản lý vật tư nông nghiệp thiếu chặt chẽ ảnh hưởng xấu tới sản xuất.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch "Diện tích đất trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030" nhằm xây dựng các phương án phát triển dài hạn về sản xuất lương thực để bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia và trên địa bàn tỉnh, xác định cơ cấu đất nông nghiệp để sử dụng có hiệu quả. Theo đó, duy trì diện tích đất lúa đạt 58 nghìn héc-ta vào năm 2020, giữ diện tích đến năm 2030 đạt 55 nghìn héc-ta (giảm 11,6 nghìn héc-ta so với năm 2010). Sản lượng lương thực năm 2020 đạt khoảng 741 nghìn tấn thóc, giảm hơn 7.000 tấn thóc so với năm 2010, trong đó 86,5% sản lượng phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và 13,5% cho dự trữ quốc gia và thị trường ngoài tỉnh. Năng suất lúa năm 2020 phải đạt 63 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với năm 2010.

Bảo đảm trồng lúa có lãi trên 30% giá thành

Các giải pháp của quy hoạch nhấn mạnh đến yêu cầu bảo đảm lợi nhuận cho nông dân trồng lúa. Theo đó, tỉnh sẽ có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp thu mua, chế biến lương thực cho nông dân. Trên cơ sở giá sàn lúa gạo do Chính phủ công bố theo từng thời điểm, UBND tỉnh sẽ xây dựng cơ chế giám sát thường xuyên các kênh thu mua, tiêu thụ lúa gạo. Khi giá thị trường xuống thấp hơn giá sàn, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất tín dụng để các doanh nghiệp thu mua hết lúa hàng hoá của nông dân với mức giá không thấp hơn giá sàn quy định. Giá thu mua lúa phải bảo đảm cho nông dân có lãi trên 30% giá thành sản xuất. Giải pháp này xuất phát từ tình trạng sản xuất lúa có lợi nhuận thấp trong giai đoạn hiện nay, trong khi giá "đầu vào" lại cao. Tỉnh sẽ có khảo sát cụ thể về thị trường tiêu thụ để chỉ đạo sản xuất phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân cung ứng các sản phẩm có chất lượng, giá bán hợp lý ra thị trường.

Căn cứ vào các đề án, tỉnh sẽ cấp ngân sách để hỗ trợ sản xuất có hiệu quả. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Hỗ trợ một phần vật tư đối với các giống cây mới đưa vào sản xuất. Nâng cao hiệu quả sản xuất, cung ứng đủ giống lúa lai, lúa chất lượng cao cho nông dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng lúa vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến lúa gạo. Hỗ trợ tín dụng cho việc áp dụng cơ giới hoá, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến lúa gạo. Cấp thẻ bảo vệ đất lúa đến hộ để giữ đất lúa, hạn chế việc chuyển sang mục đích sử dụng khác. Tiếp tục miễn thuỷ lợi phí cho toàn bộ diện tích đất lúa có hệ thống thuỷ lợi. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng. Việc thu hồi đất lúa phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của nông dân theo quy định của pháp luật.

Nhóm giải pháp về quản lý, sử dụng đất đai đề cập đến yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích, vị trí đất trồng lúa đã xác định trên bản đồ. Việc chuyển đất lúa sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện theo đúng quy hoạch. Tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa lần 2 để giảm số thửa ruộng ở mỗi hộ và mở rộng quy mô sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thuê đất phát triển nông nghiệp theo hướng trang trại, vùng sản xuất tập trung. Bảo vệ, cải thiện độ phì nhiêu của đất canh tác.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới cho nông dân để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Có chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cho cấp xã, thôn để chỉ đạo sản xuất.

Quy hoạch đề xuất 7 dự án sẽ ưu tiên đầu tư để phục vụ sản xuất lương thực, bao gồm: Nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề an ninh lương thực, phát triển giống lúa thuần tại vùng giống nhân dân, phát triển giống lúa lai, thâm canh các vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô 50 ha trở lên, củng cố, nâng cấp hệ thống đê điều, xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi nội đồng, quy hoạch thiết kế đồng ruộng tại các vùng sản xuất lúa tập trung.

Thực hiện tốt quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2020 tỉnh ta sẽ khắc phục được những khó khăn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh, đưa nghề trồng lúa có hiệu quả.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2020: Quan tâm lợi ích của nông dân