Quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ - Cần một cơ chế cụ thể

06/06/2013 08:41

Ngày càng có nhiều cán bộ nữ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp. Tuy nhiên, so với nam giới, cán bộ, viên chức, lao động nữ vẫn còn thiệt thòi...



Ngày càng có nhiều cán bộ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo.
Trong ảnh: Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh làm việc tại Trường Tiểu học Tô Hiệu. Ảnh: TM

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Tại tỉnh ta, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ từ năm 2006 trở lại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của cán bộ nữ, vẫn cần một cơ chế cụ thể.

Tín hiệu khả quan

Theo Quy hoạch cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ nữ dự nguồn tham gia Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đạt 18,4%; tham gia BCH Đảng bộ cấp huyện đạt 15,3%; quy hoạch cấp trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, tỷ lệ nữ đạt 10,25%. Qua bầu cử, 16,36% số thành viên BCH Đảng bộ tỉnh là nữ, tăng hơn 4% so với nhiệm kỳ trước. Con số này đối với đại biểu Quốc hội là 22,22%, đại biểu HĐND tỉnh là 20,31%. Cấp huyện và tương đương, tỷ lệ nữ trúng cử BCH Đảng bộ đạt 13,44%, nữ đại biểu HĐND huyện chiếm tỷ lệ 23,43%...

Vừa qua, thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2010-2015, đã có 4 trong số 17 đồng chí được giới thiệu bổ sung quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nữ, đạt tỷ lệ 23,5%; riêng nhân sự bổ sung quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, 100% là nữ. Trong quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ dự nguồn đạt 10,9%, ở cấp huyện, con số này là 29,7%. Một số chức danh có tỷ lệ nữ dự nguồn quy hoạch đạt trên 15% như: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (16%); Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện (16,7%); trưởng các ngành, đoàn thể tỉnh (18,3%); phó các ngành, đoàn thể tỉnh (19,7%)...

Cùng với công tác quy hoạch, từ năm 2006 đến năm 2011, tỉnh ta đã tạo điều kiện, cử 3.581 lượt cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị (LLCT), quản lý hành chính nhà nước. Tỷ lệ cán bộ nữ được chọn cử tham gia các lớp cao cấp, trung cấp  LLCT do tỉnh và Trung ương mở đều đạt trên 30%. Một số đơn vị cấp huyện thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng cách luân chuyển cán bộ từ  huyện xuống xã và ngược lại. Trong đó, ưu tiên cán bộ nữ không phải luân chuyển đến địa bàn quá xa. Nhờ chủ động đào tạo, bồi dưỡng nên khi tiến hành Đại hội Đảng hoặc bầu cử HĐND các cấp, cán bộ nữ trong diện quy hoạch đều đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, LLCT để giới thiệu ứng cử vào cấp ủy, chính quyền các cấp. Khi có nhu cầu kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã chú ý đến nguồn cán bộ nữ, xem xét đề bạt, bổ nhiệm tại chỗ hoặc luân chuyển cán bộ nữ từ nơi khác đến. Trong 5 năm 2006-2011, toàn tỉnh đã bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 585 cán bộ nữ giữ chức vụ từ trưởng, phó phòng và tương đương trở lên. Cán bộ được bổ nhiệm, bố trí, sử dụng đều đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định và phát huy tác dụng tốt.

Còn những bất cập



Đa số cán bộ Văn phòng Cục thuế tỉnh là nữ. Ảnh: Mai Anh


Tuy đã được quan tâm, song công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ vẫn bộc lộ những bất cập do thiếu một cơ chế cụ thể. Chị Đặng Thị Hà, Bí thư Đảng ủy phường Trần Phú (TP Hải Dương) cho biết: "Cán bộ nữ có những ưu thế và hạn chế nhất định so với cán bộ nam. Trong đó có nhiều khó khăn do đặc thù của giới. Tuy nhiên, khi đánh giá hiệu quả công việc, xem xét các tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch hay bổ nhiệm, cán bộ nữ không  được ưu tiên so với cán bộ nam. Dù tuổi nghỉ hưu của chị em sớm hơn nam giới 5 năm, song quy định về độ tuổi được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hay LLCT, dự thi nâng ngạch công chức không có sự khác biệt giữa nam và nữ nên ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của chị em. Có chị học xong các lớp bồi dưỡng, đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, LLCT thì không còn đủ tiêu chuẩn về tuổi để bổ nhiệm dù là cán bộ nguồn hoặc chị em thi nâng ngạch công chức xong cũng đến tuổi chuẩn bị nghỉ hưu".

Theo chị Vũ Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, quy định cán bộ cấp xã phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng chế độ hưu hiện nay cũng là một khó khăn đối với chị em. Vì tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 55 nên để đáp ứng yêu cầu này, cán bộ nữ phải được bổ nhiệm ít nhất từ tuổi 35. Đây là vấn đề không dễ giải quyết đối với cấp cơ sở, vì rất ít cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử khi tuổi còn trẻ.

Ngoài những bất cập đã nêu, công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ còn một số hạn chế như: Quy hoạch cán bộ nữ thiếu tính chủ động, chưa có tính chiến lược, lâu dài. Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành nhìn chung còn thấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ ở một số nơi còn chưa thực sự gắn với quy hoạch. Tỷ lệ nữ được đào tạo theo yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ rất thấp so với cán bộ nam. Chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển đội ngũ cán bộ nữ làm khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND ở một số địa phương, đơn vị chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ cương vị chủ chốt các cấp, các ngành còn thấp, cơ cấu không đều và chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng lao động nữ...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Đảng và Nhà nước cần có chính sách cụ thể đối với cán bộ nữ, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Quy định về độ tuổi được đi học cao cấp LLCT hệ tại chức đối với cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng cần điều chỉnh theo hướng hạ 5 tuổi so với quy định hiện hành. Cần xây dựng cơ chế cụ thể để khuyến khích tài năng nữ, ưu tiên tuyển dụng sinh viên nữ tốt nghiệp loại khá, giỏi về địa phương. Các cấp, các ngành, đoàn thể cần chủ động rà soát, bổ sung cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ nữ một cách hợp lý. Trong đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, cần quan tâm cán bộ nữ, với cùng tiêu chuẩn, có thể ưu tiên bổ nhiệm cán bộ nữ. Có chính sách ưu tiên với cán bộ nữ khi luân chuyển công tác đến địa bàn khó khăn hơn...

THANH MAI


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ - Cần một cơ chế cụ thể