Khuyến mãi bằng hình thức giảm giá được các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên sử dụng để kích cầu mua sắm, xả hàng ...
Vì không được giảm giá sâu, siêu thị Big C Hải Dương thực hiện chương trình khuyến mãi mua hàng tặng kèm quà
Tuy nhiên, hiện nay quy định thương nhân không được KM, giảm giá vượt quá 50% giá trị hàng không còn phù hợp và doanh nghiệp muốn được sửa đổi.
Phớt lờ quy định
Để xả hàng tồn kho và kích cầu mua sắm, cửa hàng kinh doanh quần áo D&J trên đường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) quyết định giảm giá bán sản phẩm lên đến 70%. Theo quy định tại điều 5 Nghị định 37 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại được Chính phủ ban hành năm 2006 thì cửa hàng này đã vi phạm quy định về hạn mức KM. “Nếu chiểu theo quy định này thì chúng tôi không bao giờ được phép KM quá 50%. Điều này hết sức vô lý vì giảm giá như thế nào và thực hiện ra sao là quyền tự do của doanh nghiệp. Miễn sao doanh nghiệp không KM ảo hoặc bán hàng kém chất lượng là được", chị Phạm Thị Thu, chủ cửa hàng nói.
Cửa hàng bán giày dép Việt Nam xuất khẩu trên phố Tuy An (TP Hải Dương) treo biển giảm giá từ 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm cho toàn bộ hàng mùa hè. Tính theo phần trăm thì cửa hàng này đã giảm đến 55% giá bán cho mỗi sản phẩm. Chị Hoàng Thị Phương, nhân viên bán hàng cho biết: “Trước đây, có lần để xả hàng tồn kho, cửa hàng mới treo biển giảm giá 60% đã bị lực lượng quản lý thị trường nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, thay vì treo biển giảm giá, lần này chúng tôi treo biển giảm tiền. Như vậy, vẫn thu hút được người mua mà không bị cơ quan chức năng xử phạt”.
Mặc dù Nghị định 37 quy định rất rõ giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để KM mà thương nhân thực hiện trong một chương trình không được vượt quá 50% giá trị của hàng hóa, dịch vụ được KM nhưng thực tế vẫn có không ít người bán hàng cố tình phớt lờ quy định này. Số lượng các cửa hàng thực hiện KM mỗi tháng rất lớn nên cơ quan chức năng khó có thể thống kê, nhắc nhở hoặc xử lý hết.
Kiến nghị bỏ trần khuyến mãi
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Văn hóa Đỗ Gia cho rằng đã đến lúc Nhà nước nên bỏ quy định trần KM bởi không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp KM chủ yếu để xả hàng tồn kho hoặc kích cầu tiêu dùng. Nhà nước nên khuyến khích để người tiêu dùng được hưởng lợi, doanh nghiệp cũng dễ thu hồi vốn. Doanh nghiệp tự biết cần phải KM như thế nào và bao nhiêu là đủ. Quy định không được KM, giảm giá quá 50% giá trị sản phẩm ảnh hưởng đến tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy định KM không được vượt quá 50% giá trị hàng hóa đã có hiệu lực hơn 10 năm nay. Ở thời điểm ban hành, quy định này được đánh giá là phù hợp và là công cụ quan trọng để các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lớn dùng KM, giảm giá để loại bỏ đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn. “Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc áp quy định trần KM sẽ làm khó các doanh nghiệp trong nước. Tôi thấy ngay ở các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… họ không cần áp trần KM. Doanh nghiệp được phép giảm giá bán sản phẩm tùy ý. Miễn sao không phải là KM ảo hoặc sản phẩm KM là hàng giả hoặc hàng kém chất lượng là được”, anh Nguyễn Hữu Quảng, đại diện siêu thị Thế giới di động tại thị xã Chí Linh nhận xét.
Bỏ trần KM sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, giúp doanh nghiệp cố gắng nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá bán sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Trước những kiến nghị của doanh nghiệp về quy định này, vừa qua Bộ Công thương đã tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan về việc thay đổi quy định. Sở Công thương cũng đã chủ động tham khảo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh và đề nghị Bộ Công thương xem xét sửa đổi quy định này. Ông Nguyễn Văn Quang, đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Trần KM đã không còn phù hợp. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài được giảm giá sâu thì các doanh nghiệp trong nước chỉ được giảm giá không quá 50%. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, khiến họ yếu thế hơn trong cạnh tranh”.
Bỏ trần KM, các cơ quan chức năng sẽ quản lý bằng cách nào? Ông Quang cho rằng thị trường sẽ tự điều tiết. Doanh nghiệp tự biết KM bao lâu và mức nào để bảo đảm lợi ích tốt nhất. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp KM ảo, người tiêu dùng sẽ tẩy chay. Người tiêu dùng có nhiều cách để kiểm chứng được giá bán của sản phẩm. Ngoài ra, để quản lý thị trường tốt hơn, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cần tăng cường kiểm tra và xử phạt những trường hợp cố tình nâng giá bán để KM ảo đánh lừa khách hàng.
HẢI MINH
Trước nhiều ý kiến về quy định trần KM không còn hợp lý, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công thương đã đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4.4.2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Điều 5 dự thảo nêu rõ: Trong các trường hợp tổ chức các chương trình KM tập trung (như tuần KM, tháng KM, mùa KM, ngày lễ KM…) thì giá trị vật chất dùng để KM cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được KM và tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ dùng để KM trong một chương trình KM có thể lên đến 70%. Thay đổi này hiện vẫn chưa nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp. |