Quy định mới về công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập

28/09/2021 05:42

Du học sinh đi học bằng học bổng ngân sách Nhà nước phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước.

Học sinh tại trường Tư thục Fairmonts (Anaheim, California, Mỹ)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Tiêu chuẩn đối với công dân ra nước ngoài học tập

Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập như sau: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng; được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác); đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là Đảng viên).

Nghị định cũng quy định du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước được về nước thực tập, thu thập tài liệu để phục vụ chương trình học tập; được hưởng các kỳ nghỉ trong thời gian học tập theo quy định của cơ sở giáo dục nước ngoài; được về nước, đi thăm thân nhân ở nước khác (nước thứ ba) nếu được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đồng ý.

Bên cạnh đó, được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ về lãnh sự, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian học tập ở nước ngoài theo quy định.

Đồng thời, du học sinh được hưởng toàn phần hoặc một phần chi phí đào tạo, chi phí đi lại, sinh hoạt phí và các chi phí khác liên quan đến học tập ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hoặc do phía nước ngoài đài thọ.

Phải bồi hoàn chi phí đào tạo nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước. Cụ thể, du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; trong trường hợp vi phạm, tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật của các bên có liên quan.

Nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục nước ngoài và cam kết, quy định của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác), cơ quan cử đi học; giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư nước sở tại.

Không được tự ý bỏ học; thực hiện đúng quy định về thời gian học, trình độ đào tạo, ngành học, nước đi học và cơ sở giáo dục theo quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền.

Phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp (đối với du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước cấp trong khuôn khổ hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài; học bổng ngân sách Nhà nước cấp thông qua các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).

Thực hiện các quy định hiện hành về cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là đảng viên); bảo vệ các tài liệu, thông tin có bí mật Nhà nước được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, thông tin bảo vệ chính trị nội bộ.

Không lợi dụng việc học tập hay bất kỳ hình thức nào khác để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước đối tác.

Tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học

Nghị định cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật gồm: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt (do cơ quan quản lý trực tiếp xác nhận); không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có trình độ, năng lực phù hợp với nội dung, chương trình tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài; đáp ứng các yêu cầu khác của chương trình tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài; được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử ra nước ngoài.

Công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế thu nhập cá nhân (nếu có) và các khoản chi phí bắt buộc khác theo quy định hiện hành của Nhà nước; trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về thuế thu nhập cá nhân thì thực hiện theo Điều ước quốc tế.

Bên cạnh đó, công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có trách nhiệm làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nghiêm túc nội quy nơi làm việc; về nước sau khi kết thúc chương trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật theo quy định của nước đối tác.

Không vi phạm quy định về hoạt động khoa học công nghệ của Việt Nam và nước sở tại; các quy định pháp luật hiện hành về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam tại nước đối tác.

Không được lợi dụng việc đi giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài để thực hiện mục đích đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái phép trừ trường hợp phải kéo dài thời gian ở lại nước ngoài do ốm đau, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.

Thực hiện đúng thỏa thuận, cam kết đã ký với cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền cử cá nhân đi giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật tại nước ngoài (nếu có).

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Quy định mới về công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập