Hướng dẫn cách ly ca nhiễm Covid-19 (F0) của Bộ Y tế được đánh giá là khó hiểu và không phù hợp với thực tế khi quy định "F0 không được ra khỏi nhà".
Điểm cách ly F1 tại nhà ở đường Lương Thế Vinh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Sáng 14.3, Bộ Y tế ban hành Quyết định 604 hướng dẫn cách ly ca Covid-19 tại nhà, trong đó quy định: "Người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác".
Tối cùng ngày, Bộ phát thông cáo giải thích quy định 5.4 này được hiểu như sau: "Người mắc Covid-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà".
Việc phải ra thông cáo bởi trong Quyết định 604, Bộ Y tế không giải thích cụ thể về nơi cách ly là phòng hay nhà, điều kiện thế nào. Điều 4.3 của quyết định chỉ nói về cách ly như sau: Tạo không gian cách ly riêng. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ. Trong khi đó Quyết định 604 đã thay thế Quyết định 261 ngày 31.1.2022 hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà nên người dân, cơ quan chuyên môn không hiểu.
Đa số nhân viên y tế, tổ Covid cộng đồng vẫn phải viện dẫn Quyết định 261, dù nó đã được thay thế, để giải thích cho người dân về quy định cách ly tại nhà. Theo đó, người mắc Covid-19 được cách ly tại nhà khi có nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trong nhà có phòng cách ly khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt gia đình.
Chủ nhà cần đặt biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19", có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa Sars-CoV-2" để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.
Người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chỉ được dỡ bỏ cách ly khi đủ 7 ngày và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Nếu sau một tuần, người nhiễm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine; 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều.
Không chỉ khó hiểu, Quyết định 604 và sau đó là thông báo giải thích của Bộ Y tế "F0 không được ra khỏi nhà" còn không phù hợp với thực tế. Thầy thuốc Trần Sĩ Tuấn phân tích trung bình một tuần qua, mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 160.000 ca. Số F0 thực tế có thể cao hơn, bởi nhiều người khi có triệu chứng chỉ tự xét nghiệm và điều trị tại nhà, không thông báo với cơ quan y tế. Nhiều địa phương F0 rất khó liên hệ với trạm y tế để thông báo.
Rất nhiều gia đình tất cả thành viên là F0, các tổ Covid cộng đồng không thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ. Thực tế đó buộc F0 phải ra ngoài để mua thuốc, mua đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, bất chấp khả năng có thể bị phạt do vi phạm quy định. Vì thế, ông Tuấn cho rằng trong bối cảnh F0 nhiều, Việt Nam đã cơ bản bao phủ đủ liều vaccine cho nhóm dân số từ 12 tuổi thì việc cấm F0 ra khỏi nhà là không khả thi, không phù hợp thực tế. Hơn nữa, quy định này mâu thuẫn với đề xuất của Bộ Y tế hồi đầu tháng 3 là cho F0, F1 đi làm.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến quy định trên là Covid-19 chưa được đưa ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh). Các quy định về cách ly F0, F1 vì thế chưa thể thông thoáng.
Để khắc phục bất cập, ông Tuấn đề xuất nhà chức trách sớm xem xét coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường để có các quy định ứng xử với người nhiễm, người nghi nhiễm cởi mở hơn. "Thay vì cấm, Bộ Y tế nên có hướng dẫn F0 ra khỏi nhà có biện pháp đảm bảo an toàn cho cá nhân và cộng đồng, như mang khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn...", ông Tuấn nêu quan điểm.
Theo VnExpress