Quy định về chấn động được áp dụng thí điểm từ năm 2021. Tại World Cup 2022, lần đầu tiên nó được sử dụng thể hiện sự nỗ lực cho việc bảo vệ sức khỏe của cầu thủ.
Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi đặc biệt trong luật thi đấu World Cup. Đó là áp dụng giao thức thay người vì chấn động. Ngay tối 21.11, trong trận đấu giữa Iran và Anh, quy định này đã được áp dụng cho thủ môn Alireza Beiranvand sau cú va chạm mạnh ở vùng đầu.
Bảo vệ sức khỏe lâu dài của cầu thủ
Theo Sporting News, trước khi World Cup 2022 khởi tranh, FIFA đã cho phép các đội thay người do chấn động. Từ lâu, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lời kêu gọi nhằm thay thế các cầu thủ bị chấn động trong các tình huống va chạm, để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe của các cầu thủ. Quy định này cũng giúp đảm bảo công bằng cho các đội khi mất đi cầu thủ bị thương và không ảnh hưởng quyền thay người vốn có.
Vấn đề này được bàn luận nhiều hơn cả sau sự kiện tiền vệ người Đức Christoph Kramer mất trí nhớ vì cú va chạm tại chung kết World Cup 2014. Khi đó, tiền vệ người Đức có các triệu chứng chấn động nhưng không thể rời sân. Vai của Ezequiel Garay đã húc vào mặt của Kramer, khiến tiền vệ này gần như bị hạ knock-out.
Sau đó, Kramer vẫn tiếp tục thi đấu nhưng anh chỉ có thể trụ thêm được 10 phút trước khi phải rời sân nhường chỗ cho Andre Schuerrle ở phút 31 vì bị choáng. Anh thừa nhận không nhớ gì nhiều về trận chung kết với Argentina sau khi gặp chấn thương ở đầu.
Hàng loạt ý kiến được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe của cầu thủ. Các chuyên gia nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phải xem xét các chấn động nghiêm trọng hơn và có quy trình phù hợp để tránh xảy ra sự cố.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chấn động do va chạm trong thể thao dẫn tới hệ lụy nguy hiểm. Theo The Athletic, cầu thủ có thể bị phù não thứ cấp và tác động cộng dồn của chấn thương sau lần tổn thương đầu tiên. Hội chứng phù não thứ cấp là tình trạng xảy ra khi não sưng lên nhanh ngay sau khi một người bị chấn thương lần thứ hai, trước khi các triệu chứng của chấn động trước đó giảm bớt. Sự kiện này rất hiếm, nhưng khi xảy ra, nó thường gây tử vong.
Mỗi đội có tối đa 6 lần thay người không kể người bị chấn động
Trong tài liệu "Giao thức y tế của FIFA với chấn động - Nghi ngờ và cách bảo vệ", FIFA cho biết: “Nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng tổn thương não, hoặc nghi ngờ chấn thương do chấn động dù không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, bác sỹ nên đưa cầu thủ ra khỏi sân để kiểm tra chi tiết hơn bằng phương pháp chẩn đoán chấn động”.
Các đội được phép thay 5 người trong một trận đấu. Nếu chấn thương đầu xảy ra, họ có thể sử dụng phương pháp thay thế chấn động vĩnh viễn bổ sung (APCS), theo hướng dẫn của Hội đồng Hiệp hội Bóng đá Quốc tế. Nó không được tính vào 5 lần thay người được phép mỗi trận.
Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng. Các quan chức y tế buộc phải sử dụng phương pháp tiếp cận an toàn trước nhưng không có bất kỳ yêu cầu nào về giám định y tế sau đó nhằm đánh giá việc liệu người chơi có đủ sức khỏe để tiếp tục thi đấu sau cú va chạm hay không.
FIFA đã bắt đầu chạy thử quy định này tại FIFA Club World Cup 2021. Từ đó, một số giải đấu nổi bật đã điều chỉnh để áp dụng quy định này. Mùa trước, Premier League cũng áp dụng giao thức chấn động.
Theo Vietnamnet