Tại sao Neymar sẽ ế chỏng chơ trên thị trường chuyển nhượng?

18/05/2020 16:00

Vào mùa hè năm 2019, chi tiêu của Premier League cao thứ hai từ trước đến nay (1,41 tỷ bảng), còn La Liga lần đầu tiên chi hơn 1 tỷ euro.

Joao 100 triệu euro sẽ biến mất như Neymar trên thị trường chuyển nhượng

Tổng cộng, 11 câu lạc bộ (CLB) của Premier League đã phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng tương ứng của họ: Man United đã chi 85 triệu bảng cho hậu vệ Harry Maguire và Arsenal đã trả 72 triệu bảng cho Nicolas Pepe của Lille. Ở châu Âu, Barcelona đã chi 120 triệu euro cho Antoine Griezmann, Atletico Madrid đã đầu tư vào Joao Felix từ Benfica, trong khi Eden Hazard đã tới Real Madrid với giá 100 triệu euro và Inter Milan đã bỏ ra 80 triệu euro mua Romelu Lukaku của Man United.

Sau khi virus Corona bùng phát và suy thoái kinh tế xảy ra ngay tức thì, bóng đá sẽ phải suy nghĩ khác đi. Nhìn về phía trước trong một thời điểm không chắc chắn, trước tiên, người ta phải nghĩ tới ý nghĩa đạo đức. "Sẽ rất khó để biện minh cho việc chi quá nhiều tiền cho các cầu thủ khi mọi người vẫn cứ nhiễm bệnh và chết", cựu giám đốc thể thao của Liverpool, Damien Comolli nói với ESPN.

Nhưng một khi tình hình tạm ổn và các phiên chuyển nhượng mở cửa trở lại, các CLB sẽ phải tìm cách sáng tạo khi cuộc khủng hoảng tài chính trở nên khó khăn. "Tôi nghĩ thị trường chuyển nhượng tiếp theo sẽ rất kỳ lạ. Chúng ta sẽ thấy phí chuyển nhượng giảm, cầu thủ được đem đổi chác thay vì dùng tiền mặt. Hiện tượng mua chịu, mua trả góp sẽ gia tăng", Comolli nói.

Vào cuối tháng 4, CEO của Man United, Ed Woodward đã nói: "Sẽ không còn là kinh doanh như bình thường đối với bất kỳ CLB nào, kể cả chính chúng tôi, ở thị trường chuyển nhượng mùa hè này... Tôi thấy việc chuyển nhượng các cầu thủ có giá hàng trăm triệu bảng trong mùa Hè này là bất khả thi". Hồi tháng 3, cựu chủ tịch của Bayern Munich, Uli Hoeness cũng đã dự đoán "phí chuyển nhượng vượt quá 100 triệu euro sẽ là điều không tưởng vài năm tới".

Có lẽ Woodward nói thể để loại bỏ ý tưởng về việc bắt Man United phải chi 100 triệu euro cho tiền đạo Harry Kane hoặc Jadon Sancho đang được ấp ủ bởi Tottenham hay Dortmund, nhưng có thể cấu trúc của thị trường chuyển nhượng sẽ hoàn toàn khác. Thời của những vụ chuyển nhượng bom tấn giữa các đại gia có vẻ đã hết. Ngay khi bóng đá trở lại, tiền - có thể không nhiều, nhưng đủ - sẽ tiếp tục xuất hiện.

Những khoản phí chuyển nhượng lớn này rất hữu ích cho các siêu CLB, nhưng không thể tách rời với mô hình kinh doanh của họ. "Tôi nghĩ rằng các CLB giàu vẫn có tiền và những CLB cáo già hoàn toàn có thể giết chết thị trường về việc có được tài năng mới nổi. Một cầu thủ trị giá 20 triệu bảng vào tháng 1 có thể chỉ còn giá 8-10 triệu bảng vào mùa Hè. Một số CLB có thể mua gom các tài năng trẻ bằng nửa hoặc 1/3 giá cách đây 6 tháng của họ", Comolli phân tích.

Điều đó sẽ làm tổn thương các CLB tầm trung hoặc thuộc giai cấp vô sản. Nhưng cũng đừng quá lo bởi những CLB này thường sử dụng mô hình bán các cầu thủ mà họ đã phát triển để kiếm lợi nhuận mưu sinh. Đây cũng sẽ là cơ hội tốt cho họ bán hàng.

Hè 2019, Lille đã thu về gần 150 triệu euro từ việc bán Rafael Leao cho Milan, Thiago Mendes cho Lyon và Pepe cho Arsenal để tạo ra một mùa Hè kinh doanh rất sôi nổi cho đội bóng ở Ligue 1. Nhưng Lille đã sử dụng số tiền đó để mang lại một mớ các tài năng tiềm năng có giá thấp khác về để phát triển, hy vọng họ sẽ theo chân Pepe, Leao và Mendes.

Họ đã trả PSG 10 triệu euro để mua một Timothy Weah 21 tuổi, chi 12 triệu euro cho cầu thủ trẻ người Nigeria Victor Osimhen và mua với giá thanh lý tài năng Renato Sanches, từng là niềm hy vọng lớn của bóng đá Bồ Đào Nha, của Bayern. Nếu Lille không làm điều đó, họ sẽ không tạo ra lợi nhuận cho những tài năng mà họ đã phát triển và họ cũng không có tiền để tái đầu tư.

Đó là cách mà rất nhiều CLB đã hoạt động, từ Borussia Dortmund, đến Southampton, Porto và Sevilla. Tại Giải Championship, CLB Brentford đã thực hiện một nghệ thuật mua những tài năng vô danh và bán họ với giá từ 10-20 triệu bảng mỗi năm.

CLB Saint-Etienne ở Ligue 1 cũng là một tay buôn bán cầu thủ trẻ lọc lõi, khi đã bán một cầu thủ đầy triển vọng với số tiền lớn vào mùa hè năm ngoái. Năm ngoái họ đã bán William Saliba với giá 30 triệu bảng cho Arsenal, nhưng một Saliba khác vào mùa hè này, có thể chỉ có giá 10 triệu bảng. Saint-Etienne vẫn sẽ phải bán, vì đó là vấn đề sống còn.

Điểm này được nhấn mạnh bởi dự đoán gần đây của giám đốc Saint-Etienne, Bernard Caiazzo rằng có tới một nửa số CLB chuyên nghiệp của Pháp có thể gặp phải cuộc khủng hoảng này: "Đó là lý do tại sao nó sẽ là một thị trường thú vị cho những người có tiền, sáng tạo, dũng cảm và liều lĩnh".

Có thể các CLB tầm trung sẽ tiếp tục ký hợp đồng với những cầu thủ mới, nhưng nhiều khả năng các ông lớn sẽ có được những mục tiêu mong muốn khi họ tập trung tránh xa các ngôi sao đắt tiền như Neymar và hướng tới những tài năng mới nổi. Tất nhiên, không ai biết thị trường chuyển nhượng sẽ như thế nào. Không ai biết bóng đá sẽ như thế nào. Không ai biết thế giới sẽ như thế nào. Điều duy nhất chúng ta biết là sẽ có ít tiền hơn trong vài năm, và điều đó có thể thay đổi đáng kể cấu trúc chuyển nhượng.

Theo Bongdaplus

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tại sao Neymar sẽ ế chỏng chơ trên thị trường chuyển nhượng?