Đề xuất dành tiền thu phí quốc lộ 5 và đầu tư thêm để “đại tu” 70km đường nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Trạm thu phí trên QL5. Ảnh: PV
Đại diện chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ cũng như Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về đề xuất dành tiền thu phí trên quốc lộ 5 (QL5) và đầu tư thêm để “đại tu” 70km trên tuyến đường này vì nhiều đoạn đã xuống cấp sau 15 năm khai thác và việc chi gần 800 tỷ trong năm 2013 mới chỉ dừng lại ở việc cải tạo mặt đường. Cùng thời điểm, cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ hiện tượng dùng tiền lẻ ở trạm thu phí ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Đường nào thì cũng cần “5 năm trung tu, 13 năm đại tu”
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) - cho biết, đã trình kế hoạch đại tu QL5 lên Bộ GTVT và dự kiến nếu được chấp thuận sẽ triển khai trong hai năm 2018-2019. Quy trình đầu tư sẽ được thực hiện nghiêm túc theo luật đấu thầu và tổng số tiền dự kiến cho việc này vào khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó một phần lấy ra từ tiền thu phí tại hai trạm trên QL5.
Theo ông Chiến, VIDIFI nhận bàn giao việc thu phí trên QL5 từ năm 2009 nhưng tổng số tiền thu phí được từ 2 trạm này từ 2009 - 2015 không nhiều, chỉ vào khoảng 700 tỷ do mức phí thấp mà trong đó 500 tỷ đã được dùng để cải tạo mặt đường. Số tiền thu phí chỉ tăng đáng kể trong 2 năm 2016-2017 do mức phí tăng nhưng sau khi nộp thuế và dành nguồn để đại tu đường theo kế hoạch thì tiền bù cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không đáng bao nhiêu.
Khi được hỏi về lý do phải đại tu QL5, ông Chiến cho biết, nhiều đoạn trên QL5 đã xuống cấp và chủ đầu tư mới tạm cải tạo mặt đường để bảo đảm an toàn giao thông chứ trong thời gian tới vẫn phải đại tu mới bảo đảm khai thác ổn định trong 8-10 năm tới. Theo ông này, nguồn tiền thu phí đã có hiện chưa đủ để thực hiện kế hoạch đại tu nhưng nếu huy động thêm 2-3 năm thu phí nữa là đủ còn sau đó tiền thu phí sẽ dùng để hỗ trợ hoàn vốn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định, tuyến QL đi vào khai thác từ 2002, tới nay đã 15 năm trong khi thông thường với các tuyến đường sau 5 năm phải trung tu (rải một lớp khoảng 6-7cm) sau 13 năm phải đại tu (rải một lớp 12cm), nên việc đại tu là cần thiết. Được biết, việc đại tu cũng được các địa phương đề xuất với một số đoạn xuống cấp và dự kiến sẽ triển khai trên 70km từ Hải Dương đi Hải Phòng còn đoạn Hà Nội - Hưng Yên chất lượng còn tốt nên chưa tiến hành đại tu lần này.
Thu phí QL5 đúng quy định còn trả tiền lẻ phản đối chỉ khoảng 20 xe
Không chỉ cung cấp thông tin về kế hoạch đại tu QL5, chủ đầu tư và đại diện Bộ GTVT còn lên tiếng về hiện tượng trả tiền lẻ mới tái xuất trong ngày 11.12 vừa qua.
Theo đại diện VIDIFI, trong sáng 11.12 có 3 xe quay đầu trả tiền lẻ, tới chiều có 6 xe đi vài trăm mét qua trạm rồi quay đầu lại nhiều lần và tổng cộng trong 2 ngày 11, 12 chỉ có khoảng 20 xe thực hiện việc này, trong khi lưu lượng trung bình qua trạm là hơn 30.000 xe.
Đại diện này khẳng định, dù là tiền lẻ hay tiền chẵn đều rất hoan nghênh và luôn bố trí người để thu phí nhưng hiện tượng 20 xe cố tình quay đầu nhiều lần để qua trạm và dùng các chiêu trò như vo tiền rồi vuốt thẳng ra để câu giờ là có vấn đề và lực lượng chức năng đang làm việc để làm rõ vấn đề này và cho biết, có một người chủ trì đứng sau hiện tượng trên.
Đại diện VIDIFI cũng cho biết, đã đề xuất 2 phương án giảm phí lên Chính phủ và đề nghị Tổng cục Đường bộ nên đưa ra một quy định chung về miễn phí cho người dân sống quanh trạm để tránh trường hợp mỗi dự án một kiểu.
Liên quan tới những thắc mắc của người dân về việc VIDIFI thu phí QL5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc cho phép VIDIFI thu phí QL5 đã được quyết định từ năm 2007 và đúng với quy định lúc triển khai nên không thể hồi tố. Tiền thu phí từ 2 trạm này vốn để nộp ngân sách thì nay chuyển thành tiền hỗ trợ mà đáng lẽ ngân sách bỏ ra cho nhà đầu tư là không trái với quy định và đây là dự án cấp thiết triển khai với 39% vốn là nhà nước cam kết bỏ ra.
Trước hiện tượng cố tình dùng tiền lẻ để gây ách tắc, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, sẽ tiến hành phân luồng từ xa để bảo đảm không có hiện tượng cản trở các xe ưu tiên, đặc biệt là xe cấp cứu tại các trạm trên QL5 và tổng cục thực hiện giám sát nhà đầu tư thu phí có đúng không, ùn tắc trên 700m là xả trạm.
KHÁNH HOÀ (Lao động)