Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 11.11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận Phiên chất vấn sáng 10.11
Sau nội dung này, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về nội dung này.
Thời gian còn lại của phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2009. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng bộc lộ một số bất cập khi thực hiện, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Trong bối cảnh đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 được trông đợi sẽ quản lý tốt hơn vấn đề giao thông và hoạt động vận tải đường bộ.
Theo đề xuất của Chính phủ, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 08 chương, 72 điều, được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận, biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng.
Sau nội dung này, các đại biểu Quốc hội biểu quyết Luật Biên Phòng Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Thời gian còn lại của phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự thảo Luật đã được các đại biểu thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức thẩm tra sơ bộ. Dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 05 chương, 34 điều, quy định vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo TTXVN