Với đa số phiếu tán thành, sáng 20-6, Quốc hội đã biểuquyết thông qua 3 dự thảo luật và 2 nghị quyết.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Quốc hội. Ảnh Thanh niên
Quốc hội cũng biểu quyết thông qua các dự thảo luật, gồm: luật hòa giải cơ sở, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cư trú và luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của luật doanh nghiệp. Ba văn kiện pháp luật này sẽ tạo hành lang pháp lý cơ bản cho nhân dân trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân và liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh.
Theo đó, luật cư trú quy định chặt chẽ hơn hơn về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú của công dân, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…
Đối với luật doanh nghiệp, việc sửa đổi điều 170 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Điều 170, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1-7-2006 phải đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp năm 2005; việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn 5 năm, tức là đến 1-7-2011.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12-2012, chỉ có khoảng 3.000/6.000 doanh nghiệp FDI hoàn thành đăng ký lại theo quy định này. Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI không thực hiện được thủ tục đăng ký lại đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư. Một số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi kết thúc thời hạn hoạt động ghi tại Giấy phép đầu tư vì không thể thực hiện thủ tục đăng ký lại. Điều này đồng nghĩa với việc một nguồn vốn lớn sẽ rút khỏi Việt Nam, hàng vạn lao động có nguy cơ mất việc, làm phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp...
Luật hòa giải cơ sở cũng nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư và người có uy tín được công nhận là Hòa giải viên cơ sở có điều kiện và hành lang pháp lý trong việc hòa giải, xử lý các tranh chấp, khiếu kiện.
(Chinhphu.vn)