Một quốc gia thành viên NATO tuyên bố sẵn sàng chuyển giao phi đội MiG-29 đã nâng cấp cho Ukraine, giúp bảo vệ không phận nước này trong cuộc xung đột với Nga.
Trong một nỗ lực có khả năng tăng cường khả năng chiến đấu trên không của Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu của Slovakia, ông Ratislav Káčer mới đây tuyên bố nước này đang chuẩn bị chuyển giao các máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29 do Liên Xô sản xuất cho Không quân Ukraine với sự phối hợp của Mỹ.
“Chúng tôi vẫn chưa chuyển giao cho Ukraine những chiếc MiG-29. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng để làm điều đó. Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác NATO về cách thực hiện”, ông Káčer nói với hãng thông tấn Interfax Ukraine.
Quan chức Slovakia bổ sung: “Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất ý nghĩa với Tổng thống Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng của tôi đã giải thích với tổng thống [Ukraine] về cách chúng tôi có thể làm điều này. Tôi nghĩ rằng, trong những tuần tới, một phái đoàn Ukraine sẽ đến Slovakia, chúng tôi sẽ cùng với những người bạn Mỹ biến điều này thành hiện thực.”
Trong diễn biến liên quan mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia cũng nhấn mạnh rằng những chiếc MiG-29 sẵn sàng chuyển giao cho Kiev đã được nâng cấp.
Theo dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Slovakia, sau khi nước Cộng hòa Liên bang Tiệp Khắc (Czechoslovakia) tan rã, nước này đã mua tổng cộng 24 chiếc MiG-29 một và hai chỗ ngồi. Trong số đó, 11 chiếc đã rút khỏi lực lượng không quân, nhưng vẫn còn hoạt động, có niên hạn sử dụng tới 2029 - 2035. Số máy bay này đã được nâng cấp, tích hợp cả hệ thống liên lạc và định vị tương thích với NATO.
Tuyên bố của Bộ trưởng Káčer cho thấy Slovakia đang đàm phán với Mỹ về cách tốt nhất để chuyển giao các máy bay phản lực MiG-29 tới Ukraine. Điều này cho thấy Bratislava có ý định tránh một tình huống tương tự như hồi đầu năm nay khi Ba Lan tiết lộ kế hoạch chuyển giao những chiếc MiG-29 cho Không quân Ukraine. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đình trệ sau khi các quan chức Ba Lan và Mỹ thảo luận công khai về vai trò tiềm năng của Washington trong việc mua sắm lô máy bay.
Ba Lan đề nghị chuyển các máy bay chiến đấu cho Mỹ để Mỹ có thể xử lý việc giao cho Ukraine, nhưng cuối cùng hai đồng minh đã không đạt được thỏa thuận.
Không quân Slovakia hiện đang chờ bàn giao 14 máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất để tăng cường bảo vệ không phận. Hoạt động chuyển giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2024. Trong thời gian chờ đợi, lực lượng không quân Séc và Ba Lan đang hỗ trợ kiểm soát bầu trời Slovakia cho đến ít nhất là ngày 31.12.2023.
Được phát triển vào thập niên 1970 bởi Phòng thiết kế Mikoyan, MiG-29 có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 1977, trước khi được đưa vào biên chế chính thức năm 1982. Mục đích sản xuất của MiG-29 được cho là để làm đối trọng với tiêm kích F-16 Falcon của Mỹ.
Là tiêm kích thế hệ thứ 4, MiG-29 có độ cơ động mạnh mẽ, nhờ vào sự kết hợp khả năng khí động học tiên tiến với một hệ thống điều khiển cơ học truyền thống. Nó có thể di chuyển linh hoạt theo phương đứng và phương ngang, hay thực hiện thao tác “quay đuôi” một cách dễ dàng.
Một ưu điểm khác khiến cho MiG-29 được ưa chuộng là chi phí hoạt động và bảo dưỡng khá rẻ so với các đối thủ như F-16. Bên cạnh đó, tiêm kích này "tương đối dễ tính" khi có thể xuất phát ngay cả từ các đường băng xấu nhờ các bộ hút khí có tác dụng ngăn các vật lạ bên ngoài văng vào động cơ.
Tuy vậy, MiG-29 cũng có tương đối nhiều khuyết điểm nếu so với các máy bay chiến đấu ở thời điểm hiện tại. Khả năng chứa nhiên liệu của máy bay còn hạn chế và không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Bên cạnh đó, tầm bay tối đa của MiG-29 cũng không đạt tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên không giá trị cao.
Ngoài ra, hệ thống radar của tiêm kích này không thực sự ổn định trong việc phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu, dẫn tới nguy cơ bắn nhầm các máy bay đồng minh. Tuy nhiên, phiên bản hiện tại đang được sử dụng trong biên chế Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ngày nay là MiG-29SMT, đã khắc phục hầu hết những điểm yếu trước đó.
Theo Báo Tin tức