Những ngày gần Tết, lượng người đi lại tăng mạnh song nhiều người vẫn viện đủ lý do để không đội mũ bảo hiểm, gây mất an toàn giao thông.
Còn khoảng 30% số người dân không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, trong đó chủ yếu là thanh niên, học sinh. Ảnh chụp trên quốc lộ 38 qua xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng)
Những ngày áp Tết, mật độ mô tô, xe gắn máy, xe điện trên đường tăng đột biến, cùng với đó là nhiều người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm (MBH). Nếu không may xảy ra tai nạn thì người không đội MBH rất dễ bị chấn thương vùng đầu, ảnh hưởng đến tính mạng.
"Đi một đoạn nên không đội"
Đây là câu cửa miệng của nhiều người khi được hỏi tại sao đi mô tô, xe gắn máy nhưng không đội MBH. Hầu hết người được hỏi lấy lý do khoảng cách gần nên không đội, vừa gội đầu xong, đang vội nên quên đội... Song có một điều nhiều người thường bỏ qua, đó là tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không may tai nạn xảy ra, người điều khiển hoặc người ngồi sau ngã xuống đường sẽ dễ bị chấn thương vùng đầu nếu không đội MBH.
Theo thống kê của Công an huyện Thanh Miện, từ đầu năm2018 đến nay trong huyện xảy ra 6 vụ TNGT làm 5 người chết, 1 người bị thương do nạn nhân không đội MBH. Khoảng 23 giờ ngày 20.10.2018, tại km13+500 đường tỉnh 392 thuộc địa phận khu dân cư số 1 (xã Đoàn Tùng), anh Nguyễn Hữu D., sinh năm 1996, ở xã Thanh Tùng đi xe mô tô tự lao lên vỉa hè, đâm vào nhà dân nên tử vong tại chỗ. Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 13.10.2018, tại km 6+00 đường huyện 195 qua thôn Tiên Lữ (xã Ngô Quyền), ông Nguyễn Văn C., sinh năm 1969, ở xã Hồng Quang đi xe mô tô 34F1-204... va chạm với mô tô 34F1-051... do anh Lê Việt C., sinh năm 1971, ở xã Nhật Tân (Gia Lộc) điều khiển. Hậu quả, ông C. chết trên đường đi cấp cứu, anh Lê Việt C. bị thương.
Từng trực tiếp xử lý các vụ TNGT mà nạn nhân không đội MBH, thiếu tá Vũ Văn Thu, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện Thanh Miện) cho biết nhiều trường hợp tai nạn sẽ hạn chế được chấn thương nếu nạn nhân đội mũ và cài quai đúng quy cách. "Hơn 10 năm qua, quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã được triển khai, song tôi vẫn không hiểu tại sao nhiều người cố tình không đội hoặc đội chỉ để chống đối, mặc dù việc đội MBH mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân và không khó khăn gì", thiếu tá Vũ Văn Thu cho biết.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Trí Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho rằng việc bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy là một quy định nhân văn. Không chỉ để người dân chấp hành tốt pháp luật về giao thông, quy định này còn cứu được mạng sống của nhiều người hoặc giảm thương tật khi xảy ra TNGT. Vào các dịp lễ, Tết, Khoa Ngoại 2 tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân, trong đó nhiều người không đội MBH hoặc đội mũ kém chất lượng bị chấn thương nặng hơn so với nạn nhân đội MBH đúng quy cách.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán tràn lan nhưng rất khó xử lý. Ảnh chụp tại một cửa hàng ở thị trấn Nam Sách
30% số người dân không đội mũ bảo hiểm
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, quy định bắt buộc người ngồi trên mô tô, xe gắn máy phải đội MBH ở tất cả các tuyến đường trong tỉnh thực hiện từ ngày 15.12.2007. Theo thống kê, từ đó đến nay, số người ngồi trên mô tô, xe gắn máy tử vong do TNGT giảm 25,8%, người bị thương giảm 18,6%. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 30% số người dân không đội MBH. Tỷ lệ người đội MBH đúng cách, bảo đảm chất lượng chỉ đạt khoảng 70%. Tỷ lệ trẻ em trên 6 tuổi đội MBH còn thấp, nhất là học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện. Trong hơn 10năm qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý khoảng 74.000 trường hợp không đội MBH, xử phạt hơn 10 tỷ đồng.
Trong khi tỷ lệ người dân đội MBH đạt thấp thì tình trạng buôn bán, sử dụng MBH kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường. Việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn do các cơ sở kinh doanh thường trà trộn bán mũ kém chất lượng với các loại mũ đã có thương hiệu, đạt quy chuẩn, chất lượng được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Thời gian lấy mẫu và chi phí kiểm định MBH kém chất lượng ở mức cao và thường kéo dài.
Từ năm 2007 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 228 vụ vi phạm về kinh doanh, buôn bán MBH; thu giữ 3.747 chiếc MBH vi phạm nhãn hàng hóa; tịch thu, tiêu hủy 844 MBH giả, nhập lậu. Theo chủ một cơ sở bán MBH ở thị trấn Nam Sách, hiện nay các loại MBH chất lượng tốt bán rất chậm do giá cao, còn MBH giá rẻ, mềm mỏng lại tiêu thụ tốt. Nhiều người mua MBH chỉ để đối phó với công an chứ không coi trọng độ bền, chắc chắn, an toàn của mũ. Tại đây, những khách hàng đến mua đa phần chọn mũ giá rẻ, chỉ có rất ít người chọn loại mũ bảo đảm quy chuẩn chất lượng theo quy định.
Trung tá Đặng Quang Tam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện Bình Giang) cho biết những năm qua việc xử lý người không đội MBH tại Bình Giang được thực hiện thường xuyên. Bình Giang là địa phương dẫn đầu tỉnh trong xử lý vi phạm này. Năm 2017, cảnh sát giao thông Công an huyện xử lý 486 trường hợp không đội MBH, phạt gần 73triệu đồng; năm 2018 xử lý 765 trường hợp, phạt hơn 114 triệu đồng. "Nhưng thực tế tình trạng không đội MBH trong huyện vẫn còn nhiều, nhất là ở những tuyến đường xã, đường thôn, xóm. Vì vậy, nhà trường, gia đình cần quan tâm nhắc nhở con em thực hiện tốt quy định để bảo đảm an toàn cho bản thân mỗi người. Việc xử lý tình trạng buôn bán MBH nhái nhãn hiệu, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng cần đẩy mạnh hơn nữa để người dân được sử dụng các loại MBH đúng quy cách, an toàn", trung tá Đặng Quang Tam đề nghị.
CẨM GIANG