Trẻ em gái vị thành niên (VTN) đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với trẻ em nam cùng trang lứa.
|
Cần tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong ảnh: Tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh
|
“Đầu tư cho trẻ em gái VTN” là chủ đề của Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay nhằm tạo điều kiện cho trẻ em gái VTN bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn, khỏe mạnh và có tương lai tươi sáng.
Tại Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - KHHGĐ (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh), hầu hết trẻ VTN đến khám là nữ. Các em đến để khám phụ khoa, làm thủ thuật nạo phá thai hoặc nghe tư vấn về tâm sinh lý lứa tuổi. "Nguyên nhân khiến các em nữ đến khám chiếm đa số vì thực tế cho thấy các em đang đối mặt với nhiều nguy cơ, rắc rối hơn so với nam giới. Các em dễ mắc các bệnh liên quan đến sinh sản, có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn. Đáng báo động là nhiều em quan hệ tình dục từ rất sớm, khi các em còn chưa hiểu rõ về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Điều này khiến các em gặp nhiều rủi ro khi cơ thể chưa thực sự trưởng thành", bác sĩ Phạm Thị Tú Anh, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - KHHGĐ cho biết.
Theo Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, mỗi năm tại trung tâm có 30-35 trẻ VTN đến phá thai. Các trường hợp đến nạo phá thai thường đi một mình hoặc với bạn bè, rất ít em đi cùng người thân. Nhiều y, bác sĩ ái ngại khi có em đi một mình và vẫn mang theo cả cặp sách. Thực tế con số trên còn lớn hơn vì nhiều em đến các phòng khám tư để phá thai "chui" do sợ gia đình và bạn bè biết. Những trường hợp này đã và đang để lại hậu quả làm ảnh hưởng và tổn thương về mặt sức khỏe, tinh thần và tương lai của các em.
Từ năm 2008, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh triển khai Dự án “Chăm sóc SKSS” do Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) điều phối. Dự án nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của VTN đặc biệt là trẻ em nữ trong chăm sóc SKSS. Sau khoảng 8 năm hoạt động, dự án chỉ còn duy trì ở một phòng tư vấn SKSS dành riêng cho lứa tuổi VTN và sau khi nạo phá thai, các em được bố trí nằm nghỉ ngơi riêng biệt, nhằm hạn chế tiếp xúc với người khác. Các yêu cầu như có phòng siêu âm, phòng khám phụ khoa riêng có trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc để phục vụ các em trong độ tuổi VTN vẫn chưa được triển khai vì thiếu kinh phí. Hằng năm, trung tâm tổ chức khoảng 10 buổi tư vấn về các kiến thức chăm sóc SKSS cho học sinh của một số trường THCS, THPT. Bác sĩ Đỗ Đức Văn, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, cán bộ tư vấn của trung tâm cho biết: “Trò chuyện với các em trong lứa tuổi VTN, tôi thấy hầu hết các em chưa hiểu rõ về vấn đề chăm sóc SKSS, khá nhiều em lúng túng khi được hỏi về cách xử lý các trường hợp rủi ro. Tôi mong muốn trong thời gian tới, trẻ em VTN nhất là trẻ em gái sẽ được tiếp cận với nhiều kiến thức về chăm sóc SKSS, được nhận sự hỗ trợ từ các câu lạc bộ (CLB) hoặc mô hình thí điểm”.
Trẻ em gái vị thành niên cần được tạo điều kiện để được bình đẳng và phát huy khả năng
Thực hiện mô hình “Thí điểm hỗ trợ trẻ em gái” của Chi cục Dân số-KHHGĐ, CLB “Các bạn gái tiêu biểu” của Trường THCS thị trấn Ninh Giang được thành lập tháng 11-2014. Ban chủ nhiệm CLB gồm 2 giáo viên và 3 học sinh. Các thành viên gồm 40 bạn nữ thuộc khối lớp 9 có thành tích học tập tốt, năng động và thường xuyên tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng quý theo chuyên đề. Các buổi sinh hoạt được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức như trò chơi, văn nghệ, diễn các tiểu phẩm. Nếu trước đây, các em còn khá rụt rè khi đưa ra các thắc mắc liên quan đến những thay đổi của lứa tuổi dậy thì, chủ đề tình bạn, tình yêu… thì khi tham gia sinh hoạt CLB, các em đã mạnh dạn trao đổi. Các thành viên của CLB được trang bị những kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS, tâm lý lứa tuổi, những kỹ năng xử lý tình huống cần thiết khi xảy ra rủi ro và chính các em sẽ trò chuyện, đưa ra lời khuyên với những bạn gái cùng trang lứa. Cô Trần Thị Hồng Vân, chủ nhiệm CLB “Các bạn gái tiêu biểu” của Trường THCS thị trấn Ninh Giang cho biết: “Qua một thời gian sinh hoạt, các thành viên CLB đã tự tin hơn, đồng thời các em cũng nắm vững kiến thức liên quan đến chăm sóc SKSS”.
Ngoài huyện Ninh Giang, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã triển khai mô hình “Thí điểm hỗ trợ trẻ em gái” tại thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Toàn tỉnh đã thành lập 10 CLB “Các bạn gái tiêu biểu”; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, SKSS; hội nghị biểu dương các bạn gái có thành tích xuất sắc trong học tập với mục đích nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và trẻ em gái nói riêng thời gian tới, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số-KHHGĐ. Tỉnh cần tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là trẻ em gái VTN, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ hơn nữa. Các mô hình, CLB hỗ trợ trẻ em VTN nói chung, trẻ em gái nói riêng muốn được nhân rộng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và đưa vào chương trình ngoại khóa tại các trường học. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ trong tỉnh cần phối hợp, có biện pháp truyền thông, giáo dục phù hợp cho đoàn viên, hội viên...
HUYỀN TRANG