Quan tâm nhận diện, bảo vệ di tích

23/11/2012 06:29

Số lượng di tích lịch sử, văn hóa thì nhiều nhưng số lượng được xếp hạng quá ít nên dẫn đến không ít các di tích lịch sử giá trị rơi vào tình trạng bị lãng quên.



Đình thờ Trạng nguyên Trần Quốc Lặc mới được tôn tạo gần chục năm nay


Còn nhiều di sản bị lãng quên


Trần Quốc Lặc là một Trạng nguyên, người thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách). Tháng 2-1256, ông đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong thứ 6, làm quan đến Thượng thư. Sau khi mất, ông được vua phong làm Phúc thần, hiệu là Mạnh Đạo Đại vương. Điều đặc biệt, ông chính là vị Trạng nguyên khai khoa (Trạng nguyên đầu tiên) của xứ Đông bởi từ khoa thi năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 đời vua Trần Thái Tông (1247) mới đặt ra định chế tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Có vị trí đặc biệt quan trọng trong khoa bảng xứ Đông thế nhưng đình thờ ông ở thôn Uông Hạ nhỏ bé, ba gian lợp ngói nằm gần một dòng kênh. Bên trong đồ thờ tự đơn sơ. Tính tổng cộng toàn bộ ngôi đình, sân có diện tích khoảng 80 m2. Đường vào đình không có, phải đi nhờ nhà dân. Ông Nguyễn Văn Su, Trưởng ban Quản lý di tích đình làng cho biết: Trước kia, ngôi đình có quy mô rất lớn với 5 gian tiền tế, hậu cung cùng hai dãy giải vũ. Đất xung quanh đình rộng hàng nghìn m2. Lễ hội cũng thuộc dạng lớn trong vùng. Sau này ngôi đình bị Pháp đốt, đất của đình cũng được giao cho các hộ dân. Đến năm 2003, nhân dân mới tôn tạo lại di tích với quy mô như hiện nay. Hiện tại, địa phương còn giữ hàng chục chân tảng cột đình bằng đá kích cỡ lớn, một cân đá nặng trên 30 kg từ thời xưa dùng để cân lợn làm cỗ tế và các phần của một cầu đá cổ. Cùng với đình, khu di tích còn có mộ của thân mẫu Trạng nguyên nằm ở đầu làng rộng 200 m2 đã được nhân dân xây tường bao. Đại diện Ban Quản lý di tích đình làng cùng chính quyền xã Minh Tân đã nhiều lần làm đơn đề nghị ngành văn hóa xem xét công nhận di tích lịch sử. Bản thân gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, người được giao đất của đình cũng đã mấy lần có đơn đề nghị xin được hoán đổi đất để trả lại cho đình. Tuy nhiên, đến nay, việc đình được công nhận di tích lịch sử vẫn chỉ là niềm mơ ước của người dân Uông Hạ.

Thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang), một ngôi làng cổ còn cất giữ được nhiều giá trị văn hóa. Nơi đây còn có những di tích liên quan đến bà chúa Me đang bị lãng quên. Theo nhân dân trong thôn, bà chúa Me là tôn hiệu dành cho bà Vũ Thị Ngọc Nguyên, Thái phi của chúa Trịnh Cương (1686-1729). Bà sinh được hai người con sau này là chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh. Hiện ở Phục Lễ vẫn còn khu đất mà nhân dân gọi là phủ chúa, lăng bà chúa, khu ngự giội và một nhà bia với hai tấm bia đá cổ. Một di tích lịch sử giá trị là vậy, nhưng hiện nay nhà bia vẫn chỉ được dòng họ và thôn tự đứng ra bảo vệ.

Hiện nay, một số văn bia khuyến học trên địa bàn tỉnh ta đang bị xuống cấp, không được quan tâm bảo vệ. Văn bia về Hội Trí tri Hải Dương hiện nằm trong khuôn viên Trường THCS Ngô Gia Tự thuộc phường Quang Trung (TP Hải Dương) bị đất vùi hơn nửa mặt sau. Từ chỉ thôn Hải Yến (xã Hồng Lạc, Thanh Hà), văn chỉ thôn Xạ Sơn (xã Quang Trung, Kinh Môn) cũng trong tình trạng như vậy. Ngay cả ở Văn miếu Mao Điền thì 2 tấm văn bia cổ cũng đang trong cảnh nằm lăn lóc trong nhà bia.

Tỉnh ta hiện có 2.207 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 146 di tích cấp quốc gia, 136 di tích cấp tỉnh. Số còn lại đang hoặc chưa được xem xét công nhận xếp hạng. Tuy nhiên có một thực tế, số lượng di tích lịch sử, văn hóa thì nhiều nhưng số lượng được xếp hạng quá ít nên dẫn đến không ít các di tích lịch sử giá trị chưa được bảo vệ, đang rơi vào tình trạng bị lãng quên.

Cần có giải pháp đồng bộ

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cuối, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như việc xếp hạng phải tuân theo các tiêu chí nhất định, trong khi đó, một số di tích còn hiện vật song lại đáp ứng được quá ít tiêu chí. Nguyên nhân thứ hai là đội ngũ cán bộ chuyên môn làm hồ sơ, thẩm định của ngành văn hóa hiện đang rất thiếu, mỗi năm chỉ có thể đáp ứng được việc lập hồ sơ công nhận cho khoảng 24-26 di tích, trong khi đó số lượng di tích trên địa bàn tỉnh có nhu cầu rà soát, công nhận lại quá lớn. Một nguyên nhân quan trọng khác là một số chùa trên địa bàn tỉnh ta có giá trị kiến trúc nghệ thuật song các nhà sư trụ trì không muốn đưa vào danh mục xếp hạng hoặc danh mục kiểm kê di tích để tránh sự quản lý của Nhà nước. Họ còn tự ý tu bổ làm biến dạng kiến trúc truyền thống. Các công trình dân dụng rơi vào tình trạng không được bảo vệ, duy trì vì chủ sở hữu không muốn bảo tồn và do chưa có cơ chế, chính sách bảo tồn. Đối với các di tích cách mạng, do phần lớn địa điểm diễn ra các sự kiện cách mạng không có kiến trúc, các nhân chứng nhớ những vấn đề liên quan không còn chính xác nên việc xác định địa điểm quy hoạch để có hình thức ghi nhận rất khó khăn…

Để tránh việc các giá trị văn hóa, lịch sử bị mai một, mất đi một cách đáng tiếc, từ năm 1967 đến nay, ngành văn hóa tỉnh đã tổ chức 3 đợt kiểm kê di tích. Qua kiểm kê đã ghi nhận được 3.148 đơn vị di sản văn hóa. Trong đó di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và tỉnh mới có 282. Trước mắt đây là cách hữu hiệu nhất để nhận diện, bảo vệ.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tâm nhận diện, bảo vệ di tích