Những năm qua, Hải Dương luôn quan tâm, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề.
Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát được tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư dây chuyền hiện đại
Chính sách khuyến công được đổi mới, nâng cao hiệu quả đã giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất và các làng nghề phát triển ổn định, kinh doanh hiệu quả.
Khuyến công kịp thời
Hoạt động khuyến công của tỉnh trong thời gian qua có nhiều đổi mới, kịp thời hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất trong việc áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Hoạt động tại Hải Dương gần 20 năm nay, Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) chuyên sản xuất và kinh doanh máy nông nghiệp, động cơ điện một pha, ba pha các loại. Năm 2017, công ty đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để nhập dây chuyền "Vào dây tự động" của nước ngoài. Dây chuyền này giúp giảm khoảng 50% nhân công. Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất trên 10.000 sản phẩm, tăng từ 30 - 40% so với trước năm 2017.
Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát chia sẻ khi đầu tư dây chuyền sản xuất này đơn vị đã được tỉnh hỗ trợ 170 triệu đồng từ nguồn khuyến công. "Dù số tiền không quá lớn nhưng đây là nguồn kinh phí quan trọng, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với hoạt động sản xuất của DN. Việc hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại cho DN đã góp phần giúp DN từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Công ty đã và đang nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra những mẫu mới để đáp ứng nhu cầu cao nhất của khách hàng", ông Toàn nói.
Năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Có thời điểm, Hải Dương là một trong những điểm nóng về dịch của cả nước. Thiết bị phòng dịch là vấn đề cấp bách đặt ra. Trước thực tế trên, Công ty CP PALAT HD ở cụm công nghiệp Gia Lộc đã đầu tư gần 200 máy để sản xuất khẩu trang y tế. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp sản xuất khoảng 700 thùng khẩu trang y tế. Đầu năm, công ty ưu tiên xuất khẩu khẩu trang y tế sang thị trường Nhật Bản, Mỹ. Khi dịch bùng phát tại Hải Dương, công ty đã tạm dừng xuất khẩu, ưu tiên phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường trong tỉnh. Giữa tháng 10, công ty đã được tỉnh hỗ trợ 170 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2020. “Trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị, DN phải gồng mình chống đỡ, thậm chí phải điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để thích ứng. Sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh đã giúp DN yên tâm hơn, tạo động lực cho DN nỗ lực đầu tư, sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường", bà Phạm Thị Hà Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP PALAT HD cho biết.
Theo Sở Công thương, những năm qua, chính sách khuyến công của tỉnh rất phong phú, đa dạng và kịp thời. Giai đoạn 2014 - 2020, Sở Công thương đã triển khai thực hiện hỗ trợ cho 85 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Ngoài ra, sở còn hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Bên cạnh sự hỗ trợ của ngân sách, Sở Công thương đã vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư hàng chục tỷ đồng để tham gia thực hiện các đề án khuyến công nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp nói riêng và công nghiệp nói chung.
Nhiều cơ chế phát triển làng nghề
Cùng với công tác khuyến công, Hải Dương luôn quan tâm phát triển các làng nghề. Trong những năm qua tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề bằng những việc làm cụ thể như: xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai chương trình đào tạo nghề, truyền nghề; xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển làng nghề; thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề; triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; công nhận nghệ nhân làng nghề... Trong năm 2020, tỉnh đã phân bổ trên 34,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 14 xã có làng nghề, làng nghề truyền thống để thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng làng nghề.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các làng nghề ở Hải Duơng có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, được phân bố chủ yếu tại các khu vực nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 65 làng nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống. Có nhiều sản phẩm làng nghề đã tạo được thương hiệu nổi tiếng như: gốm Chu Đậu, rượu Phú Lộc, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, giày da Trúc Lâm, vàng bạc Châu Khê...
Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Hải Dương đã phát hiện và công nhận thêm 12 làng nghề mới là: gỗ dân dụng và mỹ nghệ Ngọc Liên, sản xuất hương Tống Xá, trồng hoa cây cảnh Phù Liễn... Hiện nay chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đang triển khai và quan tâm đến phát triển các sản phẩm làng nghề thành sản phẩm OCOP. Năm 2019 rượu nếp Phú Lộc là sản phẩm làng nghề đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Song song với phát triển làng nghề, tỉnh luôn quan tâm bình chọn nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ năm 2012, Sở Công thương đã tổ chức bình chọn nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu. Số lượng các nghệ nhân được công nhận không ngừng tăng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 50 nghệ nhân. Các nghệ nhân được vinh danh có vai trò quan trọng trong việc truyền nghề và vực dậy các làng nghề truyền thống, phát huy vai trò "truyền lửa", giúp nhiều thợ trẻ nâng cao tay nghề.
Thông qua các đề án khuyến công, chính sách hỗ trợ, phát triển bảo tồn các làng nghề của tỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, công nghiệp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
LAN NGUYỄN