Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là việc làm có ý nghĩa lớn, nhưng nó lại được bắt đầu từ những việc làm nhỏ, đơn giản, từ dễ đến khó.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sự bùng nổ thông tin trong thời đại ngày nay đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các em học sinh tiếp nhận, lĩnh hội các kiến thức, khái niệm khoa học mới để mở mang sự hiểu biết và phát triển trí tuệ của bản thân. Tuy nhiên, sự phong phú, phức tạp của quá trình xây dựng và phát triển xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá luôn đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi mọi người nói chung, các em học sinh nói riêng phải có những kỹ năng ứng xử phù hợp.
Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em là một việc làm không đơn giản, không thể giải quyết xong một tuần, một tháng, mà nó đòi hỏi phải có thời gian với sự chuẩn bị công phu, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính phát triển, tính đối tượng trong khi xây dựng các nội dung chương trình cho từng cấp học. Nói vậy không có nghĩa việc làm này chỉ giao cho nhà trường thực hiện, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và các tổ chức, đoàn thể xã hội. Vì cuộc sống đối với các em học sinh không phải chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường. Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiệm vụ học tập là chính, các em còn tham gia nhiều hoạt động khác như: vui chơi, lao động, hoạt động xã hội… và trong khi tiến hành các hoạt động đó không phải lúc nào cũng diễn ra một cách suôn sẻ. Ngược lại, có khá nhiều tình huống bất trắc xảy ra đòi hỏi các em phải có sự hiểu biết, có vốn sống, kinh nghiệm, có kỹ năng thực hành thì mới giải quyết được. Tính chất đa dạng muôn vẻ của cuộc sống yêu cầu các em học sinh phải có những kỹ năng sống tương ứng. Nhưng theo tôi, trước hết cần hình thành cho các em một số kỹ năng cơ bản, then chốt sau:
1. Kỹ năng giao tiếp: Đây là loại kỹ năng có tính chất phổ biến. Nó có mặt ở hầu hết các loại hoạt động của học sinh trong quan hệ với thầy cô, với bạn bè, với các cán bộ, nhân viên trong trường, với ông bà, bố mẹ, anh em, với bà con làng xóm, khối phố... Kỹ năng giao tiếp có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp các em hình thành được đức tính khiêm tốn, gần gũi, thân thiện trong quan hệ với mọi người. Để có được kỹ năng này, các em phải biết sử dụng các hình thức ngôn ngữ và phi ngôn ngữ một cách khéo léo, tế nhị phù hợp với từng đối tượng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu mọi thành viên trong gia đình, nhà trường và xã hội đều quan tâm đến việc xây dựng kỹ năng giao tiếp cho các em học sinh thông qua việc lựa chọn những từ ngữ đẹp phối hợp với việc sử dụng những hành vi, cử chỉ thể hiện tính thẩm mỹ cao thì đó chính là việc làm tạo cho các em học sinh có một kỹ năng sống rất cơ bản để các em hoà nhập cộng đồng theo phong cách sống văn minh, lịch sự.
2. Kỹ năng ứng xử với luật giao thông: Hằng ngày, các em học sinh ít nhất cũng có 2 lần tham gia giao thông trên đường công cộng. Vì vậy, đòi hỏi các em phải có kỹ năng ứng xử tốt với các nguyên tắc đã được quy định trong luật giao thông. Hình thành được kỹ năng ứng xử tốt với luật giao thông chính là việc bảo toàn tính mạng cho bản thân mỗi em học sinh, mang lại sự bình yên cho các gia đình, hạn chế được các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
3. Kỹ năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn: Học đi đôi với hành, nguyên lý giáo dục đó đã được xác định từ lâu. "Hành" vừa là mục đích vừa là phương tiện hữu hiệu của việc học. Nhưng trong thực tế hiện nay, chúng ta thấy phần "hành" chưa được coi trọng đúng mức. Chính vì thế, phần đông các em học sinh còn rất lúng túng khi xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống mặc dù nội dung của sự việc các em đã được học trong sách vở. Chẳng hạn như: học ngữ văn mà viết câu vẫn sai, học sử mà không có được niềm tự hào dân tộc, học sinh học mà không có ý thức bảo vệ môi trường, học địa lý mà không nắm được cảnh quan đất nước… Tất cả những thiếu sót đó xét cho cùng là do việc học tập của các em còn mang nặng tính chất giáo điều, sách vở, chưa gắn liền với thực tiễn cuộc sống sinh động của quê hương, đất nước.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là việc làm có ý nghĩa lớn, nhưng nó lại được bắt đầu từ những việc làm nhỏ, đơn giản, từ dễ đến khó. Điều quan trọng là phải bảo đảm tính hệ thống và thường xuyên, liên tục với sự quan tâm của mọi người.
TS. Phạm Trung Thanh
(Đại học Thành Đông)