Chiều 22.7, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội tham gia ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, cụ thể về lĩnh vực giáo dục, chất lượng giáo dục trực tuyến.
Theo báo cáo của Chính phủ, đại biểu Thoa đánh giá mặc dù các nước cũng như Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai tiêm vaccine nhưng dịch Covid - 19 chưa thể sớm được kiểm soát trên diện rộng do sự phổ biến vaccine còn hạn chế, tiêm chủng chưa đồng đều, có sự xuất hiện của các biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh hơn và tâm lý chủ quan của người dân nên sẽ diễn biến rất khó lường. Do đó, xuất phát điểm là một giải pháp tình thế nhưng cho đến nay và trong thời gian tới thì dạy và học trực tuyến có thể sẽ trở thành giải pháp lâu dài đối với ngành giáo dục nước ta. 18 tháng qua, việc dạy và học trực tuyến đã được triển khai diện rộng, ở khắp các bậc học, cấp học và ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh dịch Covid - 19 bùng phát, ngành giáo dục đã có những nỗ lực và sáng tạo trong dạy và học, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, cơ bản đã bảo đảm được việc dạy và học liên tục theo chương trình. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến là chưa được khẳng định. Trong điều kiện bình thường, giáo dục trực tuyến là rất ưu việt khi là chương trình hỗ trợ cho giáo dục chính thức, trực tiếp. Hình thức này tạo ra môi trường bình đẳng để tất cả mọi người học đều được tiếp cận các nguồn lực giáo dục của xã hội. Tuy nhiên, khi được sử dụng để thay thế hoàn toàn hình thức giáo dục trực tiếp thì có rất nhiều vấn đề đặt ra. Nhất là ở nước ta, chất lượng cơ sở hạ tầng công nghệ, kỹ thuật không đồng đều, trang thiết bị của cả người dạy và người học không đầy đủ, ổn định, đặc biệt là các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các hộ nghèo, cận nghèo thì trang thiết bị cho người học còn rất thiếu thốn. Bên cạnh đó , công tác quản lý học sinh trong đào tạo trực tuyến còn gặp khó khăn khi các phần mềm quản lý chưa hoàn thiện, sĩ số lớp học lớn, học sinh có thói quen học tập thụ động, ít tương tác; về mặt tâm lý, sự đơn điệu khi phải giãn cách và cách ly xã hội có thể khiến cho các em trở nên trầm cảm hoặc uể oải trong thời gian dài, cho dù tham gia học cũng thiếu tập trung, sự xa cách qua màn hình cũng khiến cho giáo viên khó nắm bắt tình hình để khơi dậy sự hứng thú, nhiệt tình tham gia bài của học sinh, nhất là ở các lớp học bậc thấp như lớp 1,2,3, mà thời gian qua đã có nhiều địa phương phải ngừng học trực tuyến đối với các đối tượng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Trước tình hình đó, chúng tôi cũng đánh giá rất cao sự nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành giáo dục các địa phương tổ chức các hoạt động dạy, học và đánh giá học sinh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề khó cần phải do đội ngũ giáo viên và cơ sở giáo dục phải giải quyết và còn nhiều bức xúc của thực tiễn cần phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm giải quyết để bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19 còn có thể kéo dài, cụ thể là :
1. Có phương án bảo đảm giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là các hoạt động thể chất, các giờ học thực hành, giờ học kỹ năng sống.
2. Phối hợp với các địa phương để hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin và phương tiện học tập đến từng địa bàn khó khăn để bảo đảm điều kiện kỹ thuật, công nghệ cho việc học trực tuyến.
3. Có phương án cụ thể đối với giáo dục các bậc học thấp như các khối lớp 1,2,3, nhất là trong điều kiện áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
4. Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển đổi số toàn diện trong ngành giáo dục trên phạm vi cả nước để bảo đảm sẵn sàng tổ chức học trực tuyến thường xuyên, bảo đảm chất lượng.
CTV