Nếu không biết bắt đầu quản lý tài chính, thiết lập ngân sách từ đâu, hãy thử chia thu nhập thành 3 nhóm và áp dụng quy tắc 50-30-20 dưới đây.
Ba khoản đó gồm: Khoản chi cho nhu cầu thiết yếu, khoản chi cho những thứ sở thích và tiết kiệm, đầu tư.
50% thu nhập để chi trả cho nhu cầu thiết yếu
Nhóm này bao gồm những khoản chi tiêu cần thiết như tiền thuê nhà, nhu yếu phẩm, các tiện ích, bảo hiểm y tế, lãi suất ngân hàng...
Nếu danh mục này chiếm hơn một nửa thu nhập, bạn nên cân nhắc cắt giảm chi phí hoặc rút bớt một vài nhu cầu vào nhóm những nhu cầu mong muốn của bản thân.
30% cho những khoản chi tiêu linh hoạt
30% thu nhập này bao gồm bất kỳ thứ gì không được coi là chi phí thiết yếu, như việc đi du lịch, ăn uống nhà hàng, mua sắm và vui chơi... Nó cũng quyết định tới việc nâng cấp giá trị của những món đồ bạn đang sở hữu
Ví dụ: Bạn đang có một chiếc ôtô giá rẻ và muốn đổi sang một chiếc xe mới đắt tiền hơn. Hãy đưa chiếc xe hơi mới vào danh mục những điều bạn mong muốn và dành một phần thu nhập để hiện thực hóa điều đó.
20% thu nhập cho tiết kiệm và đầu tư
Đây có thể là quỹ khẩn cấp, quỹ tiết kiệm hưu trí hoặc các khoản đầu tư khác, ví dụ chứng khoán. Các chuyên gia thường khuyên bạn nên cố gắng dành một khoản tiền nhất định trong quỹ khẩn cấp để trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu trong 3 – 6 tháng đề phòng các trường hợp bất trắc. Bạn nên có trong tay số tiền ít nhất bằng 3-6 tháng chi phí sinh hoạt để phòng trường hợp mất việc hoặc có biến cố xảy ra. Sau đó, hãy tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn hơn.
Không có quy tắc tài chính nào phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên quy tắc 50-30-20 này có thể là bước khởi đầu giúp bạn xây dựng được ngân sách phù hợp và hiệu quả nhất cho bản thân và gia đình mình.
Theo VnExpress