Thông qua những biện pháp khác nhau, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã biết cách khai thác lợi thế của từng lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
Mỗi năm, Công ty TNHH Kefico Việt Nam đầu tư gần 2 tỷ đồng để đào tạo, nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động
Trao cơ hội
Đã nhiều năm làm công tác tuyển dụng và quản lý nhân sự, anh Bùi Huy Hiệp, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự của Công ty TNHH Kefico Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An (TPHải Dương) chia sẻ kinh nghiệm tuyển và dùng người hiệu quả: "Doanh nghiệp phải đề ra được những tiêu chuẩn rất cụ thể đối với ứng viên và mỗi vị trí việc làm. Trong quá trình làm việc phải trao cơ hội cho họ. Mỗi năm, doanh nghiệp đầu tư gần 2 tỷ đồng để đào tạo, nâng cao trình độ cho cả đội ngũ nhân viên văn phòng, kỹ sư và công nhân". Hằng năm, doanh nghiệp đều tổ chức các cuộc thi tay nghề, tìm ra những thợ giỏi, kỹ sư hiểu nghề để tăng lương và cất nhắc họ lên những vị trí cao hơn.
Trực tiếp phỏng vấn, tuyển dụng nhân sự cho bộ phận văn phòng của doanh nghiệp nhiều năm nay, anh Phùng Văn Đường, đại diện Công ty CPCeovic (TP Hải Dương) cũng đồng tình với quan điểm phải biết trao cơ hội cho người lao động. Anh Đường cho biết: "Nếu làm tốt việc quản lý nhân sự, người lao động sẽ gắn bó lâu dài, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp kể cả những lúc khó khăn. Ngược lại, nếu không có cách quản lý và đối xử tốt với người lao động họ sẽ "phá" doanh nghiệp". Theo anh Đường, phải luôn khuyến khích, động viên người lao động những lúc làm việc hiệu quả nhưng cũng cần có biện pháp xử lý thích đáng khi họ làm việc không tốt. Thưởng phạt phải phân minh, nếu không sẽ tạo ra sự bất bình trong một bộ phận người lao động và ảnh hưởng không tốt tới tâm lý làm việc của họ.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nhân sự, một số chủ doanh nghiệp của tỉnh đã rút ra được các nguyên tắc cơ bản là: phải biết tuyển dụng một cách chọn lọc; luôn lắng nghe và thấu hiểu nhân viên; đánh giá đúng để khai thác hiệu quả năng lực của từng lao động. Một số doanh nghiệp có số lao động lớn là Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, Công ty TNHH May Tinh Lợi, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam đã sử dụng các phần mềm, ứng dụng quản lý nhân sự tự động như máy chấm công, chấm điểm hay văn phòng điện tử để tiết kiệm chi phí và khai thác tối đa thời gian làm việc của nhân viên. Theo nhận định của đại diện Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, phần mềm quản lý nhân sự chỉ để hỗ trợ, quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp đó có những chính sách tốt với người lao động, từ đó tạo cơ hội cho họ được cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.
Xây dựng môi trường thân thiện
Môi trường làm việc thân thiện là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chị Phạm Thị Thoa, nhân viên văn phòng của Công ty TNHH Kefico Việt Nam chưa một lần có ý định rời bỏ doanh nghiệp. "Không ít nơi đã mời tôi về làm việc với mức lương, thưởng cao hơn nhưng tôi chưa bao giờ có ý định rời bỏ Kefico. Bởi ở đây tôi có môi trường làm việc thân thiện, gần gũi. Các thành viên trong doanh nghiệp đều được coi trọng và tạo cơ hội để phát huy hết năng lực của mình", chị Thoa nói. Từ nhiều năm nay, tỷ lệ lao động nhảy việc tại Công ty TNHH Kefico Việt Nam luôn dưới 1%.
Trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt hiện nay thì việc quản lý, sử dụng con người trong doanh nghiệp sao cho hiệu quả rất cần thiết. Không ít doanh nghiệp gặp phải tình trạng "ăn đong" lao động vì môi trường làm việc thiếu thân thiện, chuyên nghiệp. Biện pháp giữ chân người lao động đang được các doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng hiện nay là ngoài thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, còn phải quan tâm xây dựng một môi trường làm việc thân thiện. Nhiều doanh nghiệp tổ chức những chương trình chăm lo đến đời sống tinh thần của người lao động như ngày hội thể thao, ngày hội gia đình, xây dựng quỹ tình thương để xây nhà, hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn...
Theo ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đây là một trong những yếu tố giúp nhiều doanh nghiệp đi đến thành công. "Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn làm rất tốt điều này trong khi các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp mới khởi nghiệp lại đang rất lúng túng", ông Đoan nói.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa đưa ra những con số đáng suy ngẫm: 70% số doanh nghiệp cho rằng người lao động đang thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo; 60% số doanh nghiệp cho rằng người lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới và đặc biệt có tới 75% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đã không tìm được lao động có kỹ năng mà họ cần. Do đó, việc quản lý nhân sự trong xu hướng hội nhập hiện nay càng cần sự đổi mới linh hoạt, giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực ổn định và chất lượng.
HẢI MINH