Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn báo chí về bối cảnh, ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Ấn Độ. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)
Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 15-19.12.
Nhân dịp này, phóng viên thường trú TTXVN tại New Delhi đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu về bối cảnh, ý nghĩa của chuyến thăm cũng như quan hệ giữa hai nước.
- Xin Đại sứ đánh giá về những thành tựu quan trọng mà Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được trong gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện cách đây 5 năm?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Thật khó để đánh giá tầm vóc và chiều sâu của mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong suốt 50 năm qua. Tôi chỉ xin đề cập một số điểm liên quan đến mối quan hệ này trong vòng 5 năm trở lại đây kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Nhìn vào 5 lĩnh vực chúng ta đều thấy những tiến triển.
Thứ nhất là về tiếp xúc cấp cao và độ tin cậy chính trị. Đây là điểm rất quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược và chúng ta ít có được mối quan hệ như thế với nhiều nước trên thế giới. Và chính vì điểm này mà quan hệ Việt Nam-Ấn Độ được xếp vào một trong ba quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đang có vào thời điểm hiện nay.
Điểm thứ hai là những tiến bộ đáng kể về kinh tế, đầu tư và thương mại. Nếu như gần 20 năm trước, quan hệ thương mại của hai nước chỉ mới ở mức 200 triệu USD thì hiện nay kim ngạch thương mại hai chiều đã lên tới 13 tỷ USD. Điều quan trọng là mối quan hệ này còn tiềm năng rất lớn để có thể khai thác và thúc đẩy.
Điểm thứ ba là hợp tác trên lĩnh vực khoa học - công nghệ. Đây là một điểm rất mới, trong đó hai nước đã chứng kiến những tiến bộ lớn, ví dụ như hợp tác trong lĩnh vực an ninh hạt nhân hoặc lĩnh vực nông nghiệp, giống trái cây cũng như giống các con vật.
Điểm thứ tư hết sức quan trọng đó là hợp tác ngoại giao nhân dân. Đây là mối quan hệ có truyền thống lâu đời, đặc biệt khi đạo Phật rất phổ biến và có ảnh hưởng tại Việt Nam.
Và điểm cuối cùng đó là hợp tác về an ninh-quốc phòng. Đây là một điểm sáng quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ấn Độ đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều sĩ quan và cán bộ trong các lĩnh vực hợp tác của hai nước.
- Thưa Đại sứ, chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của mối quan hệ song phương trong thời gian tới?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Trước tiên, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của mình. Đây là năm đầu nhiệm kỳ mới của cả Chính phủ và Quốc hội. Và việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Ấn Độ thể hiện sự coi trọng đối với mối quan hệ này.
Thứ hai, đây là bước tiếp theo của truyền thống trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên giữa Việt Nam và Ấn Độ mà hai nước đã xây dựng từ lâu. Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ có được bước phát triển vững chắc như ngày nay là nhờ sự quan tâm thúc đẩy của lãnh đạo hai nước. Vì vậy, điều này hết sức quan trọng.
Ý nghĩa thứ ba là trong gần hai năm qua, cả hai nước đều chịu tác động của đại dịch COVID-19. Chúng ta cũng chưa có một đoàn cấp cao nào thăm nhau trong gần 4 năm qua. Chuyến thăm lần này tạo ra một cú hích cho hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ an ninh quốc phòng cho đến kinh tế, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm hứa hẹn sẽ giúp quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp và thậm chí bùng nổ trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và du lịch sau khi đại dịch kết thúc.
- Thưa Đại sứ, các cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ cần làm gì để quan hệ hợp tác song phương đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của mỗi nước?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Hiện nay, hợp tác giữa quốc hội hai nước vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu là trao đổi đoàn cấp cao, còn trao đổi đoàn giữa các tiểu ban, ủy ban cũng như giữa cơ quan lập pháp của các địa phương còn khá hạn chế so với các nước khác.
Đây là điểm mà hai bên cần quan tâm đầu tư hơn nữa. Bởi khi Quốc hội hai nước hợp tác tốt hơn sẽ tạo điều kiện cho chính phủ hợp tác tốt hơn, từ đó tạo cú hích hơn nữa cho quan hệ hợp tác song phương. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hơn 5 năm trước, hai bên đã ký một thỏa thuận thúc đẩy hợp tác về nghị viện.
Đến nay, dù thỏa thuận đã được ký nhưng mức độ thực thi vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy với chuyến thăm lần này, chúng ta hy vọng sẽ tái khởi động nhóm hữu nghị Việt-Ấn, đồng thời sẽ tiếp sức cho sự hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, khi vai trò của quốc hội ở hai nước ngày càng tăng, sự hợp tác này càng trở nên hết sức quan trọng. Tôi rất hy vọng chuyến thăm này sẽ thành công và sẽ tạo điểm nhấn trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm nay.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Ấn Độ. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)
- Xin Đại sứ chia sẻ Việt Nam và Ấn Độ cần làm gì để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ khá nhiều điểm tương đồng về đánh giá đối với tình hình khu vực và tình hình thế giới. Và hiện nay hai nước đều là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chính vì sự tương đồng về chính sách đối ngoại và cách nhìn nhận cục diện thế giới cũng như việc đều là hai nước có quyền đóng góp tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác hết sức tích cực trong thời gian vừa qua.
Ấn Độ từng chủ trì Hội nghị về an ninh biển, lĩnh vực quan tâm đối với cả Ấn Độ và Việt Nam. Hiện nay, hai nước đều đối mặt với những thách thức tương tự về an ninh, hòa bình ở các khu vực xung quanh của mình. Vì vậy sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, vốn là hai nước có tình đoàn kết truyền thống cũng như có quan điểm tương đồng về các vấn đề chính trị trên thế giới, là điều hết sức quan trọng.
Tôi cho rằng hơn bao giờ hết, mối quan hệ này ngày càng phải được thắt chặt hơn trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng, để chúng ta có thể có tiếng nói chung trong việc bảo đảm rằng thế giới này cần là một thế giới đa cực, tuân theo luật lệ quốc tế, giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Hiện nay, Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng tăng và với tư cách là một cường quốc mới nổi, trách nhiệm của nước này đối với hòa bình, an ninh ở khu vực ngày càng lớn. Việt Nam, với tư cách là quốc gia có trách nhiệm và đã từng đóng góp vào hòa bình thế giới, sẽ phải hợp tác hơn nữa với Ấn Độ trên lĩnh vực này.
Vì vậy, tôi rất lạc quan về hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy hòa bình an ninh trong khu vực.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Theo TTXVN