Sáng 4.3, Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập phòng chống dịch COVID-19 trong toàn quân, trực tuyến tại hơn 200 điểm cầu.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giữa theo dõi, chỉ đạo cuộc diễn tập. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 dự và chỉ đạo diễn tập.
Tham dự có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng phòng, chống dịch COVID-19; các Phó Tổng Tham mưu trưởng cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Diễn tập quy mô lớn nhất từ trước đến nay
Cuộc diễn tập được tổ chức nhằm thống nhất trình tự nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành phòng, chống dịch COVID-19 ở các cấp độ; qua đó góp phần nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, tổ chức chuẩn bị và thực hành phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; đánh giá khả năng các nguồn lực, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình phòng, chống dịch COVID-19 để sẵn sàng đối phó với các tình huống diễn ra.
Phát biểu khai mạc diễn tập, Tổng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang đánh giá, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tại Việt Nam, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực "Chống dịch như chống giặc", áp dụng các giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, không để dịch lớn xảy ra và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, được cộng đồng quốc tế, nhân dân đánh giá cao.
Lực lượng Quân đội đã và đang tổ chức cách ly trên 10.000 người, chưa phát hiện trường hợp quân nhân mắc bệnh. "Quân đội là lực lượng đi đầu tham gia phòng, chống dịch; vừa tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả trong các đơn vị, vừa thực hiện nhiệm vụ đón nhận công dân Việt Nam, kể cả người nước ngoài về Việt Nam, tổ chức cách ly, theo dõi tại các doanh trại, tham gia phòng, chống dịch tại các địa phương trên cả nước", Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thông tin, đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, trong đó: Diễn tập vận hành cơ chế từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Quốc phòng đến lãnh đạo, chỉ huy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tất cả các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, nhà trường đến sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tương đương.
Diễn tập thực binh trong toàn ngành Quân y, cùng lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất của một số quân, binh chủng, ngành, đồng thời huy động bộ đội phù hợp ở cấp cơ sở để thực hành phòng, chống dịch trong đơn vị hoặc khu vực xử lý hiểm họa và tình huống dịch ở cấp độ cao hơn, không để ảnh hưởng đến tâm lý của bộ đội, nhân dân. Vừa diễn tập, vừa sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt, hàng giờ, hàng ngày toàn quân đang tổ chức phòng, chống dịch, tiếp tục đón nhận, cách ly công dân ở nước ngoài về nước và thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao.
Nội dung diễn tập theo 5 cấp độ dịch, trong đó có cấp độ cao nhất (cấp độ 5) là khi dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc, đã lây lan vào một số đơn vị Quân đội. Sau nội dung diễn tập vận hành cơ chế của Ban Chỉ đạo và cơ quan Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng sẽ triển khai nội dung thực binh: Triển khai Bệnh viện bệnh lý truyền nhiễm số 1, qui mô 600 giường bệnh, thực hành thu dung, điều trị người mắc bệnh COVID-19 trong Quân đội và nhân dân; tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, cách ly, theo dõi công dân từ các quốc gia có dịch về qua cảng hàng không; phối hợp giữa các lực lượng, thực hiện các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm tại một địa phương. Các phân đội phòng, chống dịch cơ động; thực hành phòng, chống dịch…
Thượng tướng Phan Văn Giang yêu cầu Ban Chỉ đạo, cơ quan Ban Chỉ đạo các cấp, duy trì và thực hiện nghiêm nội dung diễn tập theo đúng ý định diễn tập, kịch bản điều hành của Bộ Quốc phòng, diễn tập sát thực tế, phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh ở các địa bàn hiện nay. Các đơn vị vừa diễn tập, vừa tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch và sẵn sàng xử trí hiệu quả tình huống dịch ở cấp độ cao hơn, không làm ảnh hưởng đến tâm lý của bộ đội và nhân dân. Các lực lượng thực hành phòng, chống dịch chấp hành nghiêm các quy định, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, tổ chức triển khai, thực hành diễn tập đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn mọi mặt.
Chủ động ứng phó với các nguy cơ
Trung đoàn Không quân 916 diễn tập vận chuyển thuốc men, thực phẩm tới khu vực có dịch trong tình huống diễn tập sáng 4.3. Ảnh: VnExpress |
Hoan nghênh Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập trong toàn quân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là cuộc tổng diễn tập không chỉ phòng, chống dịch bệnh hiện nay mà còn chuẩn bị cho các sự cố về an ninh phi truyền thống trong tương lai. Thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng biểu dương sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của Quân đội ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, lực lượng đầu tiên tham gia vào quá trình phòng, chống dịch là lực lượng Biên phòng, cửa khẩu đã vận động để nhân dân hiểu hơn về dịch bệnh và thêm lòng tin vào sự chỉ đạo của Chính phủ, vào Quân đội. Quân đội cũng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong nghiên cứu, tham gia rất tích cực vào nghiên cứu, phân lập virus, nghiên cứu bộ kit thử nghiệm.
Phó Thủ tướng quán triệt 5 yêu cầu về phòng, chống dịch, trong đó có ba yêu cầu về chuyên môn: Không để lây lan rộng; không để đội ngũ y tế có lây nhiễm và lây chéo; giảm tối đa và tốt nhất là không để có người chết do dịch bệnh. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý không được để tâm lý xã hội hoảng loạn hoặc chủ quan; không để ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế, song phương cũng như đa phương.
"Chúng ta đã có kịch bản có thể đảm bảo tốt cho 3.000 người nhiễm bệnh, và đã tính đến kịch bản đảm bảo cho tới 30.000 người nhiễm. Song thực tế nếu cộng với các Bệnh viện chuyên biệt mới thành lập thì chúng ta có thể đảm bảo lên đến 40.000 - 50.000 người, tức là lường trước những tình huống xấu nhất", Phó Thủ tướng thông tin.
Cho rằng Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia đánh giá cao, đề nghị chia sẻ kinh nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng, đạt được những kết quả này là do Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu: Không để lây lan rộng (đến nay đã sang ngày thứ 21 không có người nhiễm mới, 16 ca đã được chữa khỏi, không có người chết, không để lây lan chéo trong bệnh viện cũng như trong Quân đội); đạt được các yêu cầu về tâm lý xã hội, xử lý hài hòa các mối quan hệ quốc tế; làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền diễn tập trong tất cả các lực lượng, đặc biệt là trong Quân đội. "Thấy rất rõ qua thực tiễn không chỉ là lòng tin của nhân dân vào năng lực chống dịch, vào Quân đội và sự lãnh đạo của Đảng, mà còn khơi dậy tinh thần, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân mỗi khi đất nước có sự cố, kể cả trên mạng xã hội. Đây là điểm rất đáng quý", Phó Thủ tướng phân tích.
Cũng theo Phó Thủ tướng, qua đợt chống dịch này, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, từ đó càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò và phẩm chất của Quân đội nhân dân Việt Nam: "Quân đội đi đến đâu dân tin đến đấy. Quân đội Việt Nam không chỉ có kỷ cương mà còn được dân tin".
Qua công tác phòng, chống dịch, thêm một lần năng lực của đội ngũ khoa học của Việt Nam, cả Quân đội lẫn dân sự được khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đã chủ động làm sớm và cao hơn mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới trong công tác phòng, chống dịch, với việc đặt mục tiêu làm dứt khoát và cố ngắt sớm dịch: "Chúng ta luôn tính đến tình huống xấu hơn để tình huống không xấu đi, luôn tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống đó xảy ra. Nếu chúng ta ngắt sớm được dịch thì sẽ tận dụng được cơ hội của một nước về đích trước".
Đồng thời, không thể không kể đến tầm quan trọng của việc kiên trì nguyên tắc chống dịch: Tình hình thay đổi thì "chiến thuật" thay đổi nhưng "chiến lược" không thay đổi; công khai, minh bạch thông tin để mọi người dân đều biết và hiểu để cùng tham gia chống dịch, từ đó kiểm soát dịch tốt hơn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, bởi: "Đây là một cuộc chiến mà chúng ta mới thắng chiến dịch mở màn".
Trong tình hình mới, khi trên thế giới đã có nhiều hơn một quốc gia trở thành tâm dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam cũng cần chuẩn bị chuyển trạng thái chủ yếu từ ngăn chặn sang trạng thái ngăn chặn và giảm lây lan trong cộng đồng. Một cuộc khủng hoảng vật tư y tế quy mô toàn thế giới có nguy cơ xảy ra: "Nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt thì không chỉ khẩu trang, ngay cả các vật tư thiết bị điều trị cũng thiếu. Việt Nam phải tính giải pháp có vật tư y tế thay thế trong tình trạng đặc biệt như chúng ta đã làm trong kháng chiến", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó là nguy cơ xáo trộn chuỗi cung ứng về sản xuất kinh doanh dịch vụ toàn cầu, dẫn đến mất ổn định kinh tế thế giới, thậm chí ảnh hưởng tới các chương trình nghị sự ở tầm quốc tế về kinh tế - chính trị.
Huấn luyện thực binh khử trùng tại bệnh viện dã chiến, Trường Sĩ quan Lục quân I (Sơn Tây). AẢnh: VnExpress
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, không loại trừ tình huống virus gây bệnh hay vấn đề tâm lý trong nhân dân có thể bị một số thế lực thù địch lợi dụng làm vũ khí chống phá: "Chúng ta phải lường trước các vấn đề và quyết tâm thực hiện. Ngoài 5 yêu cầu, phương châm từ ban đầu, cần quán triệt các yêu cầu mới: Sách lược, chiến thuật có thể thay đổi nhưng phải kiên định chiến lược phòng, chống dịch; tăng cường năng lực dự phòng cơ sở vật chất, thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị vật tư y tế; tăng cường năng lực phát hiện ngay tại cơ sở, thành công dồn dịch phân tán xuống bên dưới nhưng có sự chi viện của lực lượng chuyên gia từ trên bằng công nghệ thông tin".
Khẳng định phòng, chống dịch là công tác cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không được chủ quan, bao giờ dập được dịch hoàn toàn chúng ta mới yên lòng. Tôi có lòng tin, với sự ra quân đồng bộ của cả hệ thống, đặc biệt là của Quân đội, chúng ta sẽ chống dịch thành công. Nếu ngắt được dịch sớm, Việt Nam còn tận dụng được thời cơ, lợi thế của nước trở thành điểm đầu tư, điểm đến an toàn trước các nước và tận dụng thời cơ đó để bù lại những tổn thất đương nhiên phải có mà vừa qua phải đương đầu chống dịch. Với tinh thần quyết tâm: "Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", Phó Thủ tướng mong muốn Quân đội tiếp tục tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, góp phần tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mang lại lòng tin cho nhân dân để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh lần này.
Theo TTXVN