Hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 95.000 tấn vải thiều, trong đó, xuất khẩu khoảng 39.000 tấn.
Nhiều tín hiệu vui
Theo thông tin từ Bộ Công thương, tính đến ngày 8.6, vải thiều của Hải Dương đã thu hoạch và tiêu thụ từ 38.000 - 40.000 tấn (khoảng 85% sản lượng vải sớm và bằng gần 60% sản lượng vải toàn tỉnh). Riêng Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 30.000 tấn.
Giá vải vẫn duy trì ở mức cao, giá bán tại vườn dao động từ 18.000-30.000 đồng/kg, tùy theo chủng loại và phương thức đóng gói. Vải thiều của Thanh Hà luôn có giá cao hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg so với các nơi khác.
Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ, tương đương 20.000 - 21.000 tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu vẫn là khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương lân cận.
“Vải thiều của Hải Dương bán trong nước chủ yếu do các thương lái thu mua tập trung vào các chợ đầu mối (khoảng trên 15.000 tấn) sau đó phân phát tới các điểm bán lẻ trên toàn quốc và được bán tại hệ thống của các siêu thị trên toàn quốc (khoảng trên 4.000 tấn)”, đại diện Bộ Công thương cho hay.
Về mặt xuất khẩu, vải thiều Hải Dương đã xuất khẩu tới trên 10 quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Australia, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia… Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 60-70% sản lượng xuất khẩu.
Tính đến ngày 8.6, Hải Dương đã xuất khẩu được khoảng 19.000 tấn vải thiều sang các thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia, riêng Trung Quốc chiếm khoảng 15.000 tấn.
Với thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU, tính đến ngày 8.6, vải thiều Hải Dương đã xuất khẩu đi Nhật trên 180 tấn. Các doanh nghiệp như Rồng Đỏ, Ameii, Chính Thu… đang thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, EU…
Với vải thiều Bắc Giang, tính đến hết ngày 7.6, tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg (cá biệt giá thấp nhất 8.000 đồng/kg đối với vải chất lượng thấp; 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu đi Nhật).
Trong đó, tiêu thụ tại thị trường trong nước 36.017 tấn, qua các kênh phân phối chủ yếu như: Chợ đầu mối tiêu thụ 19.529 tấn; siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ 4.243 tấn; thương mại điện tử tiêu thụ 710 tấn; chế biến tiêu thụ 170 tấn; hệ thống thương nhân khác tiêu thụ 11.535 tấn.
Xuất khẩu đạt 19.021 tấn. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn; Nhật Bản đạt 45 tấn; Mỹ đạt 5 tấn.
Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Hiện nay, nhiều nhà phân phối, bán lẻ đã tích cực vào cuộc để tiêu thụ vải thiều chính vụ. Theo đại diện Công ty TNHH Bán lẻ BRG, thời gian tới toàn bộ hệ thống siêu thị BRGMart và Minimart Haprofood, BRGMart tại Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng sẽ nhập và tiêu thụ các mặt hàng nông sản Bắc Giang.
Dự kiến trong tuần đầu tiên của chương trình “bán hàng không lợi nhuận, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang, toàn hệ thống BRGMart sẽ tiêu thu khoảng 150 tấn nông sản và trái cây các loại của Bắc Giang. Các mặt hàng tiêu biểu trong tuần đầu của chương trình gồm: vải thiều Lục Ngạn, dưa hấu ruột đỏ, dưa lê, dưa chuột, khoai sọ, cà chua, bí xanh, bí đỏ, dứa… với mức giá hấp dẫn.
Cùng với đó, VinCommerce đã cam kết với Sở Công thương tỉnh Bắc Giang sẽ thu mua 2.000 tấn vải thiều để hỗ trợ nông sản địa phương. Hệ thống các siêu thị như Big C, Mega Market, Aeon… đều vào cuộc tích cực để tiêu thụ vải thiều. Nhờ đó, nông sản đến kỳ thu hoạch của các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương không những tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu mạnh đến nhiều quốc gia.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, Sở Công thương các địa phương, các Hiệp hội, ngành hàng thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang cũng như của cả nước tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn, phối hợp với các địa phương, thông qua Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương các hoạt động kết nối trực tuyến (trong điều kiện giãn cách xã hội).
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt biệt là quả vải (do thời gian thụ hoạch ngắn, có sản lượng lớn nhưng khó bảo quản, chế biến…). Bám sát, theo dõi hỗ trực tiếp và gián tiếp hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang, đảm bảo nông sản được lưu thông, tiêu thụ thông suốt không bị ùn ứ như một số địa phương có dịch gia đoạn trước.
Bộ cũng phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang nhanh chóng triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”.
Ngoài ra, để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các địa phương, ngày 1.6.2020, Bộ Công thương đã thiết lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Từ đó tới nay, bộ phận thường trực này đã hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong tiêu thụ nông sản.
Theo TTXVN