Ít ngày trước, Bộ Công an đã chính thức đưa vào triển khai trên toàn quốc phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Theo đó, việc khai báo điện tử qua phần mềm này cơ bản tương tự các phần mềm đã có như Bluezone, NCOVI… đồng thời bổ sung thông tin về địa chỉ thường trú, tạm trú, lưu trú, thông tin về phương tiện. Bộ Công an cũng hướng dẫn người dân thực hiện khai báo thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet.
Trước đó, một “ông lớn” trong ngành viễn thông đã xây dựng ứng dụng có tên “Sổ sức khỏe điện tử”, là một trong bốn hệ thống của nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 của doanh nghiệp này. Ngoài tính năng đăng ký tiêm chủng trực tuyến, ứng dụng này còn cung cấp cho mỗi người dân một mã QR để quét khi đến các cơ sở y tế.
Hàng loạt những nỗ lực được các bộ ngành triển khai trên mặt trận công nghệ nhằm chung tay trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh hiện nay. Nhưng hiệu quả của từng ứng dụng mặc dù có song cũng kéo theo không ít dư luận trái chiều.
Đến nay, chỉ sơ qua cũng có thể kể tên hàng loạt phần mềm, ứng dụng khai báo y tế hay tạo, quét mã QR trên cả nền tảng website lẫn kho ứng dụng của điện thoại thông minh như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declaration hay mới đây là Sổ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý công dân vùng dịch của Bộ Công an...
Nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ khai báo y tế sẽ tốt hơn hay tập trung một ứng dụng nhưng được cập nhật, nâng cấp thường xuyên theo tình hình thực tế? Đây là câu hỏi đã được rất nhiều người dân đặt ra thời gian qua.
Do các phần mềm, ứng dụng được các bộ ngành kết nối, liên thông dữ liệu nên việc sử dụng ứng dụng nào cũng mang lại kết quả như nhau, đó là khai báo y tế. Song chính sự liên thông này đã khiến các ứng dụng nhiều thời điểm bị “treo” do khó truy cập hoặc không thể kết nối dữ liệu, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người dân khi sử dụng.
Thực tế, các chốt vẫn nhiều lúc ách tắc, ùn ứ. Một số ứng dụng quét mã QR có cũng như không vì sau khi khai báo bằng ứng dụng, người dùng muốn nhìn lại các địa điểm mình đã từng đến lại không thấy lịch trình của bản thân. Có thể thấy, phần mềm thì nhiều nhưng chưa phát huy hiệu quả.
Quá nhiều ứng dụng vừa khiến việc khai báo y tế trở nên rối rắm đối với người dân, vừa chưa giải quyết triệt để tình trạng ách tắc, ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch. Thiết nghĩ, để việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch phát huy tối đa hiệu quả, Chính phủ cũng như các bộ ngành cần rà soát lại, đặt lên “bàn cân” để so sánh, tìm ra phần mềm, ứng dụng phù hợp nhất. Từ đó đầu tư nâng cấp, cập nhật để biến ứng dụng đó trở thành công cụ với đầy đủ tính năng, tiện ích cần thiết. Xác định rõ ứng dụng công nghệ là để tạo thuận lợi, từ đó xây dựng danh sách những tính năng, thông tin mà người dân cần khai báo để đưa vào phần mềm. Cuối cùng, thống nhất triển khai chung trên toàn quốc, chấm dứt tình trạng “phần mềm ngành, ứng dụng ngành”.
Về phía người dân, doanh nghiệp, cần hiểu rõ nhiệm vụ chống dịch không phải của riêng Chính phủ hay các bộ ngành. Người dân cần chung tay bảo vệ những thành quả đã có, tránh để bùng phát những ổ dịch mới. Những ứng dụng đang được khuyến cáo sử dụng thì tiếp tục sử dụng. Có điện thoại thông minh thì nên tăng cường khai báo bằng mã QR để tiết kiệm thời gian, nhất là tại các chốt. Đừng để chiếc điện thoại thông minh trong tay trở thành điện thoại “cục gạch”.
NAM KHÁNH