Thời gian gần đây ở huyện Thanh Hà xuất hiện nhiều vụ nữ sinh đánh nhau khiến dư luận quan tâm, lo lắng.
N.T.T. (phía trong) tại trụ sở Công an xã Thanh Thủy
Hẹn đánh nhau dễ dàng
Chiều 2.3, V.T.G. (sinh năm 2006, ở xã Thanh Sơn), học lớp 10B, Trường THPT Thanh Bình và N.T.T. (sinh năm 2007, ở xã Thanh Xuân) đã nghỉ học sau khi học xong THCS hẹn đánh nhau tại chân cầu Hợp Thanh (xã Thanh Thủy). Khi đi đến điểm hẹn, G. và T. dẫn theo một số bạn đến để chứng kiến. Trong lúc đánh nhau, T. đã lột áo của G. Đây không phải là lần đầu tiên các em đánh nhau. Tại trụ sở Công an xã Thanh Thủy, T. khai đây là lần thứ 3 tham gia đánh nhau. Các em thường hẹn đánh nhau ở những điểm xa khu dân cư ít người qua lại, can ngăn.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ video trên mạng xã hội, Công an xã Thanh Thủy đã yêu cầu G. và T. cùng người thân đến trụ sở làm việc. Cả T. và G. đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và cam kết không tái phạm.
Có những vụ nữ sinh đánh nhau từ lâu nhưng đến nay người thân trong gia đình mới phát hiện qua clip phát tán trên mạng. Như vụ đánh nhau giữa nhóm học sinh Trường THPT Hà Đông với học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện từ ngày 27.8.2021 tại đê xã Thanh Quang. Trong đó một nhóm nữ sinh liên tục đánh, túm tóc, dùng mũ bảo hiểm đập vào mặt một nữ sinh khác. Theo bản tường trình của N.T.Đ., học lớp 10E Trường THPT Hà Đông cùng tham gia đánh bạn lúc đó, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nên các bạn hẹn đánh nhau, sau đó lại chơi với nhau bình thường cho đến nay. Ngoài ra còn có những vụ nữ sinh một số trường THCS đánh nhau và đều có clip đăng tải công khai trên mạng.
Thầy giáo Hoàng Văn Duật, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình cho biết nhà trường đã yêu cầu học sinh có liên quan vụ đánh nhau viết tường trình, đưa vào danh sách theo dõi. Theo thầy giáo Duật, học trực tiếp nhà trường sẽ dễ dàng theo dõi và kỷ luật, nhưng nay học trực tuyến, việc theo sát học sinh còn hạn chế. Các em học trực tuyến ở nhà dài ngày, bí bách, tiếp cận mạng xã hội nhiều hơn nên nếu không có sự giám sát của bố mẹ, nhiều em học theo thói hư tật xấu...
Vô cảm
Điều đáng buồn hơn cả là trong những clip đánh nhau giữa các nữ sinh có nhiều học sinh khác chứng kiến, thậm chí là bạn cùng lớp. Không chỉ thản nhiên đứng nhìn những học sinh này đánh nhau, các em còn cổ vũ, chụp ảnh, quay clip, rồi tung lên mạng. Những hình ảnh đó khi lan truyền trên mạng còn nhận được những lời bình luận như "cũng bình thường thôi", "cứ thế phát huy", "Thanh Hà chất như nước cất"... Chị Nguyễn Thị L., mẹ cháu T. ở xã Thanh Xuân (người tham gia đánh nhau tại chân cầu Hợp Thanh) thừa nhận nguyên nhân khiến con mình hành xử như vậy một phần cũng do vợ chồng chị chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ con vì phải đi làm tối ngày.
Theo tiến sĩ tâm lý học Đồng Thị Yến, giảng viên Trường Cao đẳng Hải Dương, khi xã hội phát triển, nam nữ bình đẳng, học sinh nữ vừa mạnh mẽ vừa hoạt bát hơn. Các em rất tự tin khi tham gia các hoạt động của trường lớp, nhưng nhiều em lại nổi loạn quá mức, ương bướng, ngang ngạnh, hiếu kỳ, lúc nào cũng muốn khẳng định bản thân. Đôi khi chỉ cần hiểu lầm nho nhỏ là các em sẵn sàng thách thức, đánh nhau. Nhiều em nữ rất muốn gây sự chú ý. Ngoài ra, gia đình và môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến các em, nhiều em có tâm lý "đó không phải việc của mình" nên vô tâm, không can ngăn, khuyên nhủ bạn mình không nên đánh nhau.
Để ngăn tình trạng bạo lực học đường, tiến sĩ Yến cho rằng gia đình cần thường xuyên quan tâm chăm sóc, uốn nắn, dạy dỗ các em sống có ý nghĩa hơn, biết thương yêu, chia sẻ. Nhà trường ngoài dạy kiến thức, cần truyền đạt cho các em kỹ năng xã hội, cách ứng xử, biết quan tâm, giúp đỡ người khác. Ngoài ra cũng cần phối hợp cơ quan công an trao đổi thông tin về tình hình học sinh hư để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, ngăn chặn kịp thời những vụ bạo lực học đường xảy ra.
PV