Qua một năm thực hiện quy hoạch vùng tỉnh

20/01/2011 05:31

Sau 2 năm được công nhận là đô thị loại II, TP Hải Dương đang nỗ lực hết mình chứng tỏ tiềm năng và vai trò trung tâm cấp vùng trên trục kinh tế Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực phía nam, đông nam đồng bằng sông Hồng.


Giao thông phát triển, kết nối TP Hải Dương với các vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Nút giao thông Ngô Quyền - đường 52m. Ảnh: Thành Chung

Với vị thế mới và trước yêu cầu phát triển xứng tầm là một đô thị loại II, TP Hải Dương đang đứng trước những vận hội mới cùng nhiều thách thức.

Chuyển biến đáng ghi nhận

Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để phù hợp với tình hình mới, thành phố chú trọng hơn tới công tác quy hoạch, để công tác quy hoạch luôn đi trước một bước và phải có tầm nhìn cho nhiều chục năm sau với những giải pháp về phát triển công nghiệp - xây dựng, giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật hay dành quỹ đất cho phát triển dân cư, không gian cây xanh và các công trình văn hóa. Đó cũng là lý do mà lĩnh vực xây dựng được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm khi triển khai các nhiệm vụ mang tính tổng thể, các mục tiêu phát triển dài hạn và gần nhất là lộ trình thực hiện nâng cấp đô thị toàn diện từ nay tới năm 2015.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hóa, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Năm 2010 đã khẳng định những bước tiến mới của tỉnh như hoàn tất quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và kế hoạch nâng cấp huyện Chí Linh trở thành thị xã, đồng thời đã thực hiện xong bản quy hoạch chi tiết các phường bảo đảm đúng tiến độ. Đây cũng là năm triển khai chương trình quy hoạch phát triển đô thị bền vững với 1/3 số xã trực thuộc tỉnh đã thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và dự kiến sẽ đạt tỷ lệ 100% vào năm 2011. Tại các khu đô thị mới, các khu công nghiệp... công tác quy hoạch được thực hiện khá bài bản, nền nếp để có thể quản lý các hoạt động xây dựng, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư dự án, đồng thời làm cơ sở dữ liệu cho quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Năm 2009, dựa vào quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, Sở Xây dựng Hải Dương cơ bản đã hoàn tất chương trình dự báo về việc sắp xếp các thành phố, thị xã, huyện và chi tiết đến từng vùng, lãnh thổ để phân định chỗ nào trồng cây gì, nuôi con gì? Chỗ nào phát triển đô thị, chỗ nào phát triển công nghiệp? Chỗ nào phát triển hạ tầng để phục vụ mục đích kinh tế nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Hiện tại, Hải Dương đang triển khai một số công trình trọng điểm như: xây dựng tòa nhà chung cho các cơ quan hành chính của tỉnh, hoàn tất tuyến đường bắc nam, thực hiện lộ trình nâng cấp huyện Kinh Môn trở thành thị xã trước năm 2015.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Tiến Hóa, năm 2010, tỉnh Hải Dương đạt được một số kết quả tích cực trong phong trào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho học sinh, sinh viên với việc xây dựng 3 khu nhà 5 tầng để phục vụ tái định cư và 2 ký túc xá từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch vật liệu xây dựng cũng đã được hoàn thành trong năm nay và sẽ tập trung phát triển vào năm tới với những nguyên liệu chủ lực như xi-măng, đất sét trắng, cát... Hải Dương sẽ chú trọng phát triển vật liệu không nung, xóa bỏ các lò gạch thủ công để bảo đảm chất lượng vật liệu xây dựng và gìn giữ môi trường.

Những thách thức

Đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết: Là khu vực phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, kỹ thuật cao và phục vụ xuất khẩu nên Hải Dương tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp với lượng công nhân rất lớn. Vấn đề nhà ở cho người lao động đang đặt ra những yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư từ chính quyền tới các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, trong số 4 khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được quy hoạch và kêu gọi đầu tư chỉ mới có 1 dự án do nhà thầu Licogi 18 triển khai xây dựng. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Hóa, vướng mắc chính là do thiếu những cơ chế chính sách cụ thể để phát triển loại hình nhà ở này, nhất là vấn đề huy động nguồn vốn hay những biến động lãi suất ngân hàng. Những công trình nhà ở xã hội đã và đang được xây dựng tại Hải Dương phần lớn đều huy động từ quỹ bán nhà theo Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ hay vay từ nguồn trái phiếu, chứ chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp hay nhà đầu tư.

Để quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao và quản lý khu vực đô thị sau khi nâng cấp, vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cũng là mục tiêu chiến lược và cần phải làm ngay để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và phân quyền xây dựng vùng tỉnh với lộ trình thông qua HĐND tỉnh trong năm 2011 cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tổ chức, quản lý vùng chung và phát triển các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch xây dựng.

Có thể nói, dù giá trị đầu tư và xây lắp không lớn nhưng ngành xây dựng luôn là những đơn vị dẫn đầu và có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Hải Dương. Với việc nâng cấp TP Hải Dương trở thành đô thị loại 2 và sắp tới là huyện Kinh Môn trở thành thị xã, xa hơn nữa là kế hoạch nâng cấp đô thị toàn diện... đang mở ra những tương lai nhiều triển vọng cho một thành phố, một tỉnh vùng trung tâm có vị thế quan trọng đối với khu vực đồng bằng sông Hồng.

NGỌC QUỲNH(TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Qua một năm thực hiện quy hoạch vùng tỉnh