Nhiều doanh nghiệp không có giấy phép xả nước thải là một nguyên nhân quan trọng khiến nguồn nước ở công trình thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng...
|
Rất ít doanh nghiệp được cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường nước. Trong ảnh: Tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng, một trọng điểm về ô nhiễm môi trường nước (ảnh chụp tại xã Thạch Khôi, TP Hải Dương) |
Ngày 1-1-2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 56/2004/QĐ-BNN quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi (CTTL). Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học... nếu xả nước thải vào CTTL phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (việc xả nước thải trong phạm vi sinh hoạt gia đình không phải xin cấp giấy phép). Quy định này nhằm quản lý chất lượng nguồn nước xả thải vào CTTL, tránh ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã 8 năm trôi qua kể từ ngày ban hành quy định trên, nhưng kết quả cấp giấy phép đạt không đáng kể.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến tháng 5-2012, toàn tỉnh có 266 trường hợp xả nước thải vào CTTL phải xin cấp phép, trong đó có 217 doanh nghiệp và 49 trường hợp là các tổ chức khác. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 8 doanh nghiệp được cấp giấy phép, gồm: Công ty CP Công nghiệp TungKuang (cấp năm 2008), Công ty Vạn Đắc Phúc (2009), Công ty TNHH YA-AJM (2009), Công ty May mặc Makalot (2009), Công ty CP BCH (2010), Công ty May Formostar Việt Nam (2011), Công ty TNHH HKVina (2011), Công ty TNHH Thêu in Đông Dương (2012). Riêng Công ty CP Công nghiệp TungKuang đã bị thu hồi giấy phép năm 2010 và không đề nghị cấp bổ sung.
Vì sao quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có từ năm 2004, nhưng chưa được các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan chức năng quan tâm thực hiện? Trước hết, các doanh nghiệp, tổ chức được cấp giấy phép phải đáp ứng những yêu cầu như: có báo cáo phân tích chất lượng nước thải của phòng thí nghiệm hoặc trung tâm kiểm định chất lượng nước đạt tiêu chuẩn từ cấp bộ trở lên (đối với trường hợp đang xả nước thải vào CTTL); báo cáo phân tích chất lượng nước thải dự kiến xả vào CTTL; báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các trường hợp phải đánh giá tác động môi trường; văn bản đề nghị kèm theo báo cáo phân tích chất lượng nước của CTTL tại vị trí tiếp nhận nước thải ở thời điểm xin phép của tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, bảo vệ CTTL; hồ sơ thiết kế, quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bản đồ 1/5.000 khu vực xử lý nước thải, vị trí xả thải vào CTTL... Như vậy, những trường hợp chưa được cấp phép xả nước thải do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, doanh nghiệp, tổ chức đó chưa đáp ứng đủ yêu cầu nên chưa làm thủ tục cấp phép. Trường hợp thứ hai, theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, nhiều doanh nghiệp có làm thủ tục xin cấp phép nhưng chưa đầy đủ. Để có giấy phép xả nước thải, doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép. Nhiều doanh nghiệp chây ì, không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên không có giấy phép hoạt động. Ngoài nguyên nhân từ phía đối tượng phải xin cấp phép, cũng cần thấy rằng, các cơ quan chức năng vẫn chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa có biện pháp mạnh để bắt buộc doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp phép. Chế tài xử phạt đối tượng gây ô nhiễm môi trường chưa nghiêm. Vì thế, ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề bức xúc hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp không có giấy phép xả nước thải là một nguyên nhân quan trọng khiến nguồn nước ở CTTL bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Ở tỉnh ta, trên tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng (từ TP Hải Dương đến huyện Gia Lộc), Cẩm Đông - Phí Xá (Cẩm Giàng) đã có một số thời điểm nguồn nước bị ô nhiễm nên không thể tưới cho lúa. Việc yêu cầu các đối tượng xả thải vào CTTL phải có giấy phép hoạt động đã và đang rất cấp bách.
Thẩm quyền cấp giấy phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn, điều chỉnh, khôi phục, thu hồi giấy phép với các trường hợp xả nước thải vào CTTL liên tỉnh, CTTL quan trọng quốc gia với lưu lượng nước thải lớn hơn (hoặc bằng) 1.000 m3/ngày, đêm. UBND cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ, khôi phục, thu hồi giấy phép xả nước thải vào CTTL thuộc tỉnh quản lý; hệ thống CTTL liên tỉnh, CTTL quan trọng quốc gia với lưu lượng xả nhỏ hơn 1.000 m3/ngày, đêm nhưng phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải vào CTTL, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp giấy phép.
Thời hạn của giấy phép xả nước thải vào CTTL là 5 năm. Trong trường hợp thời hạn sử dụng giấy phép đã hết, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có thể gia hạn nhưng mỗi lần gia hạn không quá 3 năm.
|
NINH TUÂN