“Bốc” làng nghề gây ô nhiễm đi đâu?
Chính quyền TP Hải Dương vừa yêu cầu 15 hộ ở làng nghề bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh tạm dừng hoạt động để khắc phục vi phạm. Theo lộ trình, các hộ sản xuất ở làng nghề gây ô nhiễm này sẽ phải di dời hoặc có giải pháp khắc phục vi phạm triệt để.
Khi thông tin này được đưa lên Fanpage Báo Hải Dương có rất nhiều bạn đọc quan tâm. Có người bình luận: “Đi qua ngang tra tấn”, “Mỗi một lần đi vào là mùi khét như đốt lốp xe từ đầu làng tới cuối làng”…
Báo Hải Dương đã có nhiều tin, bài phản ánh về ô nhiễm làng nghề nói chung, ô nhiễm ở làng nghề bánh đa Lộ Cương nói riêng như trong bài “Nhức nhối ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất bún, bánh đa ở Hải Dương” (ngày 27/6/2024), “Làng nghề bánh đa Lộ Cương vẫn phát sinh ô nhiễm” (ngày 26/4/2024)... Bằng mắt thường khi đi vào làng nghề này cũng có thể thấy những ống khói từ lò hơi vẫn xả thẳng khói đen ra môi trường, những rãnh nước thải vàng khè lộ thiên chảy tràn cả ra đường, rồi tiếng ồn của máy móc, khói bụi, mùi khét từ lò hơi...
UBND TP Hải Dương yêu cầu đến ngày 25/9, các cơ sở sản xuất mì gạo phải đăng ký với UBND phường Tứ Minh phương án hoạt động, cụ thể là sẽ di chuyển ra vị trí mới hoặc nếu tiếp tục sản xuất tại làng nghề thì phải khắc phục xong các vi phạm theo thời gian quy định. Về lâu dài các cơ sở phải có phương án chuyển đổi công nghệ sản xuất từ đốt lò hơi để sấy mì sang sấy mì gạo bằng nhiệt điện để bảo đảm vệ sinh môi trường.
UBND TP Hải Dương tỏ thái độ kiên quyết bởi muốn xây dựng một thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống thì việc loại bỏ những tác nhân gây ô nhiễm môi trường là bắt buộc phải làm.
Trước đó, chủ trì phiên họp tháng 8 lần 1 của UBND tỉnh chiều 1/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản đã yêu cầu TP Hải Dương phải tính đến phương án di chuyển các cơ sở trong làng nghề bánh đa Lộ Cương đến vị trí phù hợp khác, cần có ý kiến tham gia cụ thể, chi tiết từ người dân. Từ đó xây dựng lộ trình chi tiết cho phương án di dời.
Trên thực tế, chuyện làng nghề gây ô nhiễm môi trường như làng nghề bánh đa Lộ Cương không ít. Theo báo cáo gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 14/66 làng nghề chưa có phương án bảo vệ môi trường. Có 9/66 làng nghề hoạt động phát sinh nước thải. Đây là nhóm làng nghề nấu rượu, làm bún, bánh đa, chế biến hàng nông sản, nhưng đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 30/66 làng nghề hoạt động có phát sinh khí thải, bụi là nhóm làng nghề nấu rượu, làm bún, bánh đa, chế biến hàng nông sản, mộc…
Làng nghề tạo sinh kế cho nhiều hộ dân trong tỉnh, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Song việc đánh đổi sức khỏe, môi trường của cả làng để lấy sinh kế cho một bộ phận người dân quả là khó chấp nhận được. Bên cạnh những biện pháp mạnh như cách UBND TP Hải Dương đang làm đối với làng nghề bánh đa Lộ Cương thì về lâu dài các làng nghề phải tính đến phương án di dời ra khỏi khu dân cư. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều có các cụm công nghiệp. Đây là nơi di trú an toàn, lâu dài cần tính đến cho các hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề. Việc di dời các làng nghề vào các cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung sẽ giải được bài toán về hạ tầng, về hệ thống xử lý nước thải, chất thải… từ làng nghề.
Tất nhiên đây là việc khó, bởi khi di dời tới những khu sản xuất tập trung các hộ kinh doanh sẽ phải mất thêm chi phí thuê mặt bằng, xây dựng nhà xưởng mới. Trong khi nhiều hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, không quen với các thủ tục hành chính… Do vậy, để “bốc” được các làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư cần sự tích cực vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền các địa phương để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, tạo thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề chấp thuận di dời ra khỏi khu dân cư được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ họ các thủ tục thuê đất, thành lập doanh nghiệp… để sớm ổn định sản xuất tại địa điểm mới.