Cây cau

Xã hội - Ngày đăng : 09:26, 18/09/2011

Khi ta lớn lên đã thấy cây cau đầu ngõ. Thân thẳng tắp vút cao trầm ngâm trong gió. Tán lá xòe rợp che bóng mát xuống khoảng sân nhà. Những chiếc thuyền mo úp ngược, những buồng quả trĩu trịt ôm lấy thân cây.

Chẳng biết cây cau đứng đó tự bao giờ. Chỉ biết rêu mốc cùng thời gian in hằn từng lớp vỏ. Hỏi bà, bà cười trừ, bảo khi mặc chiếc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ về làm dâu, đã thấy hàng cau sừng sững. Hỏi ông, ông cũng lắc đầu không nhớ, chỉ biết thuở ấu thơ dưới tán cau ông đã từng chơi. Nếu thế chắc hẳn cau đứng đây rất lâu rồi, lâu như trong câu chuyện “Sự tích trầu cau” bà kể.

Cau gắn với tục ăn trầu của người Việt. Trái cau xanh bổ tám, lá trầu quết vôi, miếng rễ chay đỏ nhai quện với nhau thành vị cay nồng rồi thành vị đặm đà, thành màu son đỏ. Duyên cớ vì sao chẳng giải thích nổi. Chắc tại lòng người thắm làm cho vị trầu, sắc trầu thành như vậy.

Ngày nay hiếm song vẫn còn gặp, nhưng ngày xưa phổ biến lắm, mỗi người già đều giữ tục ăn trầu. Dù đi trẩy hội, đi cỗ đám, hội họp sân đình, hay chỉ là làm đồng, ở bên hông đều đeo một chiếc cối đồng nhỏ, một  chiếc túi hoa. Chiếc cối đồng vừa là vật làm sang vừa là thứ để buồn miệng bỏ cau, vỏ vào đó dằm cho mềm ăn, khi mà hàm răng không còn chắc khoẻ. Cái túi vải vừa là vật trang trí vừa là thứ đựng trầu cau để gặp bạn gặp bè ta bỏ ra mời.  Không chỉ có các ông lão, bà lão giữ tục ăn trầu mà ngay cả trai, gái đến tuổi cập kê cũng mượn miếng trầu để trao tình gửi ý. Khi đặt lên ban thờ, trái cau cùng với lá trầu, chén nước, thẻ hương trở thành vật để thưa với bậc tiền nhân. Khi trai lấy vợ, gái gả chồng buồng cau, lá trầu trở thành lời dạm hỏi.

Mo cau là cái áo bao bọc buồng cau bao tử. Khi đủ ngày, đủ tháng áo mo nứt một đường bung nở những nhánh hoa ngào ngạt hương thơm. Đêm sáng trăng, những chấm hoa li ti rụng trắng khoảng sân nhà như gạo nếp. Trở thành món đồ trong trò chơi của lũ trẻ sớm mai. Cùng với thời gian thành tên gọi của món xôi bà nấu. Những tưởng mo cau chỉ là thứ bỏ đi cũng thành chiếc quạt cùng với gió trời làm dịu cái oi bức đêm hè.  

Làng quê Việt nào chẳng có bóng dáng cây cau: cả thực và cả trong trí nhớ.


Tản văn của ĐINH NGỌC HÙNG