Đầu làng còn một luỹ tre
Xã hội - Ngày đăng : 10:24, 25/12/2011
Trong những giấc mơ về tuổi thơ, hình ảnh đầu tiên hiện về trong tôi là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, một con sông nhỏ nở đầy lục bình tím, những luỹ tre xanh vút cứ vi vu vi vu khi gió về.
Ngày đó, bố mẹ bận công tác nên tôi được gửi về ở với ông bà. Lúc ấy, tôi đứng chỉ cao bằng những gốc tre đã bị chặt đi. Những bụi tre làng dày đặc như đang xếp hàng xếp luỹ, chúng tôi có chơi trò trốn tìm bên gốc tre lượn ra lượn vào nhấp nhô như sóng đó cũng khó mà bị phát hiện. Cả năm, khi dòng sông cạn nước, mọi người lội ra xắn bùn vun vào các gốc tre nhà mình. Măng cứ ngửi thấy mùi bùn là mọc lên, nhọn hoắt, mũm mĩm, chỉ mấy ngày mà măng đã to như bắp đùi. Nhà nào cũng mong bụi tre nhà mình đẻ nhiều, mau to còn chặt xuống để làm hàng, nhà ai không trồng được tre phải đi mua tre về đan.
Cả làng khi đó nhà nào cũng đan rổ, sảo, giần, sàng, thúng, gầu… tuỳ theo tay nghề và sức khoẻ của mỗi người. Thường đàn ông khoẻ tay khoẻ chân thì pha nan, đánh cạp, đàn bà ngồi đan, các bà già thì chắp thừng chắp chão. Khi một cây tre được hạ xuống, lũ trẻ chúng tôi thường dô ta theo nhát dao người chặt. Tre được róc sạch cành, lá, chặt thành từng đoạn, phân loại cho phù hợp, đầu thừa đuôi thẹo dùng để chêm cán chổi, chẳng có gióng tre nào bị bỏ. Còn cành tre, lá tre, mo tre, những cái phoi phoi khi vót nan thì phơi để đun.
Từ lúc gà chưa gáy, cả làng đã bừng tỉnh: tiếng đan, tiếng nệm, chêm cành cạch, rồi tiếng các bà gọi nhau gánh hàng đi chợ râm ran. Ông tôi cũng đã dậy để cạp mấy cái mê thúng đã đan xong từ hôm qua. Để cạp thúng, ông phải đào một cái lỗ to như hình cái thúng xuống nền nhà, rồi ông đặt mê thúng xuống, tra cạp vào nắn cho thật tròn theo khuôn. Hai tay phải nắn cho cạp tròn, chắc nên miệng ông luôn ngậm vài cái lạt để nắn cạp đến đâu là buộc ngay đến đó. Ông đã già, xong thúng do ông làm, bà đi chợ bán bao giờ cũng đắt hàng vì nó tròn đẹp, ai đã mua một lần, lần sau lại tìm đến mua tiếp vì nó bền. Ông bảo muốn đồ bền đẹp phải cẩn thận từ khâu chọn tre, pha nan, phơi nắng, đến khâu đan, khâu cạp, nứt. Ông ngồi nứt thúng bao giờ người cũng gồng lên, xương sống xương sườn trơ ra, mồ hôi nhễ nhại, tay ông bóp chặt, co mạnh, chiếc lạt như mềm ra ôm chặt lấy cạp và mê thúng. Có lúc vì co mạnh, tay ông sượt qua cạnh lạt, khía thành một đường ngọt lịm vào ngón tay, máu chảy tứa ra. Bà tôi thì hay tranh thủ đánh thừng đánh chão. Đêm xuống hoặc sáng sớm, bà ra đầu hiên ngồi dưới ánh trăng để chắp thừng. Dưới ánh trăng vậy mà bà chắp vẫn khéo, các đầu giang đều giấu gọn vào bên trong, dây thừng phẳng lì như chỉ được chắp bằng một cái giang dài dằng dặc vậy. Mấy chị em tôi trải chiếu nằm ngắm sao để bà vừa làm vừa chỉ cho biết đâu là sông Ngân Hà, đâu là Sao Thần Nông, đâu là chiếc gầu sòng đang tát nước…
Tôi lại trở về, bước chân trên con đường làng . Gió thổi đưa hàng ngàn chiếc lá tre như những chiếc thuyền tý hon bay lơ lửng trên không rồi rơi về cội. Ông bà tôi không còn nữa, nhưng tôi như nhìn thấy dưới gốc tre kia bóng bà đang đứng đánh thừng, bóng ông đang ngồi pha nan đan thúng. Làng tôi bây giờ hoạ hoằn mới còn một vài nhà còn giữ nghề đan. Nhưng có một luỹ tre như cột mốc đánh dấu ngay đầu làng thì vẫn xanh như miền cổ tích, vẫn là nơi thân thương cho lũ trẻ chơi bi chơi chuyền, vẫn rủ bóng che mát cho những người khách lạ ngang qua và trở thành hình ảnh tuổi thơ không thể thất lạc trong tôi…