Đôi vai

Xã hội - Ngày đăng : 22:35, 12/08/2012



Ngày xưa, khoa học chưa phát triển, con người muốn vận chuyển vật liệu, thóc gạo, hay bất cứ thứ gì cũng chỉ dùng chính thân thể mình để gánh, đội, cõng, địu, khênh, bế, đeo, bưng, bê, vác... Người ta dùng đầu, dùng lưng, dùng tay, dùng vai để làm. Trong đó, đôi vai gánh một trách nhiệm nặng nề hơn cả. Vai để gánh, để đeo, để địu, để vác. Vai làm khoẻ hơn đầu, hơn lưng, hơn tay. Đôi vai thay nhau chịu sức nặng trực tiếp của vật nén vào.

Cả đời một người nông dân, không ai cân, đo được họ đã gánh bao nhiêu tấn thóc lúa, rơm rạ, phân gio, bùn đất trên đôi vai mình, lúc thì từ nhà ra ruộng, lúc lại từ ruộng về nhà. Người buôn bán thì đường dài, vã mồ hôi với gánh hàng nặng uốn cong đòn gánh trên vai. Chống chọi với lũ lụt, người nông dân lại chìa vai ra vác từng hòn đất nặng để quật lên thành đê. Diêm dân dồn sức lên đôi vai mà khênh mà gánh chuyển từng đống muối khổng lồ dưới trời nắng lửa, mồ hôi tràn mặt, mặn hơn muối. Ngư dân chai đôi vai ra gánh cá hoặc kéo thuyền trong cảnh gió to nước ngược. Người dân miền núi lì vai trong việc cõng, địu từ con nhỏ đến thu hoạch ngô, sắn trên nương hoặc mang củi về nhà. Dây gùi thít bỏng đôi vai nhưng họ vẫn đi như thế, leo núi như thế ngày này sang ngày khác.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh bộ đội từng mang trên đôi vai mình không chỉ ba-lô mà còn cả súng đạn. Những khẩu pháo nặng hàng tấn được tháo rời ra để các anh khênh, vác trên đôi vai mình. Bao sức lực dồn cả lên đôi vai để chuyển bằng được "chú voi" khổng lồ vào trận địa: "Ta bế ta bồng/ Voi lên ta vác/ Vai ta vai sắt/ Chân ta chân đồng (Tố Hữu). Quả là vai sắt mới làm được. Không! Chính là tinh thần, ý chí như sắt như đồng của người chiến sĩ đã làm nên kỳ tích ấy. Đến thời chống Mỹ cũng vẫn với tinh thần ấy: Vai anh khiêng súng tím bầm (Lê Anh Xuân). Cả lúc có người ngã xuống, đồng đội cũng dùng đôi vai mình để mang xác bạn: "Anh chết trên vai em/ Máu thấm vào tà áo  (Phạm Lượng).

Vào chiến dịch còn có các đoàn dân công. Họ là đàn ông, đàn bà, thanh niên, phụ nữ hăng hái tiếp tế đạn, thuốc men, lương thực cho bộ đội: Dốc Pha đin chị gánh anh thồ (Tố Hữu). Không ai có thể tính được hàng nghìn, hàng vạn dân công kia đã tiếp cho chiến dịch bao nhiêu tấn vũ khí và lương thực? Một chiến dịch cũng không tính được. Cả cuộc kháng chiến càng không tính được. Chỉ biết rằng nhiều, nhiều lắm. Từ đôi vai bình dị đã làm nên bao chiến công lừng lẫy.

Đôi vai trong sản xuất, đôi vai trong chiến đấu. Đôi vai có công trạng lớn lao và hào hùng kỳ tích. Đi vào văn hoá, văn học, đôi vai xương thịt đã được nâng lên thành điểm tựa khổng lồ, vững chắc của lịch sử dân tộc - đó là đôi vai trách nhiệm. Nhà thơ Trinh Đường đã viết: Và bao người lớp trước/ Và thế hệ ngày mai/ Phần chúng ta ở giữa/ Lịch sử oằn hai vai. Tự hào thay lớp người đánh Mỹ đã được lịch sử chọn làm đôi vai gánh trách nhiệm nặng nề giữa lớp người đi trước với thế hệ tương lai.

Đôi vai còn là biểu tượng của người có sức lực mạnh mẽ. Nguyễn Du đã tả Từ Hải: Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Con người cao lớn khác thường ấy mới đủ sức: chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai, mới: Rạch đôi sơn hà được chứ.

Không những thế, chữ "vai" còn được dùng để gọi một con người trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu khi ta nói vai vua, vai quan, vai hề... "Vai" còn mang ý nghĩa trách nhiệm khi Nguyễn Bính viết: "Một vai gánh lấy giang san/ Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương. Đấy là tâm trạng người chị trong bài thơ "Lỡ bước sang ngang". Chữ "giang san" kia không phải là quê hương đất nước mà chỉ là "giang san" nhà mình và nhà chồng mà chị phải lo tròn trách nhiệm.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà dân gian có khá nhiều ca dao, thành ngữ dùng hình ảnh đôi vai. Nói về một người đàn ông nào đó vừa có sức lực lại vừa có hoàn cảnh không vướng víu gì thì dân ta nói "Sức dài vai rộng". Chê bai một anh nào đó có sức lực nhưng vụng về và thiếu thông minh, người ta xếp anh chàng ấy vào hạng người "vai u thịt bắp". Người đảm đang mọi việc trong nhà thì dân ta nói người ấy "Đầu đội vai gánh". Nếu không có ai giúp được việc gì, nhất là sai bảo mà người kia làm không nên để người sai bảo lại phải làm thì dùng câu "Miệng sai, vai đầy tớ". Sai người mà mình lại làm thì có khác gì mình sai mình. Đánh giá sự khéo léo trong công việc khâu vá, dân ta có câu "Khéo vá vai, tài vá nách". Vá áo không dễ nhất là hai nơi: vai là chỗ phồng ra; nách là nơi lõm vào. Vá làm sao khi mặc, mụn vá không dúm mới là khéo.

Từ cụ thể đến trừu tượng, từ riêng biệt đến khái quát, từ hiển ngôn đến hàm ý... bao nhiêu điều tìm thấy ở đôi vai, đặc biệt là sức sống và vẻ đẹp.

Tản bút của VĂN DUY