Mùa chim tránh rét
Xã hội - Ngày đăng : 08:56, 10/12/2013
Mùa đông sang mang theo những trận gió bấc hanh hao, lạnh buốt thổi thông thốc qua những xóm làng, vườn ruộng. Các loài chim lũ lượt đi tìm nơi trú ẩn trong các lùm cây, mái nhà... Thậm chí chúng còn chui vào lòng đất sâu để làm tổ hay bay về phương nam ấm áp. Và đó là lúc mà tụi trẻ con chúng tôi lại rủ nhau đi tìm, bắt chim tránh rét.
Loài chim đi tránh rét đầu tiên là những con cò trắng. Trong cuộc hành hương phương nam đầy gian lao ấy, đàn cò thường xếp thành hàng ngang hoặc hình mũi tên miệt mài bay xuyên ngày xuyên đêm. Khi đó, chúng tôi mang bẫy cò ra cắm giăng dọc các bờ mương. Bẫy cò gồm hàng trăm chiếc que tre đã quết nhựa và mấy con cò mồi. Những chiếc que tre đó dài chừng nửa mét, nhỏ bằng nửa chiếc đũa ăn cơm, một đầu que được vót nhọn để cắm xuống đất, còn một đầu được vót thon dần và quết nhựa dính. Lũ cò mồi thường gồm một, hai con cò thật đã được nuôi dưỡng chu đáo và tập luyện thuần thục, cùng mấy con cò bằng gỗ. Chúng tôi núp trong các bụi cây và trong chiếc lều tạm để giật dây điều khiển cò mồi bay qua, bay lại trên các giá đỡ bằng cọc tre. Đàn cò di trú bay qua cánh đồng làng tôi, thấy bầu bạn của chúng đang rập rờn vỗ cánh dưới bờ mương thì đảo lượn mấy vòng rồi nhẹ nhàng đáp xuống. Những đôi cánh chưa kịp xếp lại đã bị dính chặt vào những chiếc que tre khiến cò không thể bay lên được. Đợi cho đàn cò đã đậu hết xuống, chúng tôi mới ùa ra gỡ cò. Những ngày đúng dịp cò về, chúng tôi có thể bắt được trên một trăm con. Số cò ấy ngoài để nhà ăn ra thì phần lớn được đem cho xóm giềng, họ mạc chứ chẳng bán bao giờ.
Một thú vui khác của chúng tôi là đi bắt chim sẻ. Mùa đông, chim sẻ tập trung về làm tổ bên các mái nhà rất kín đáo và ấm áp. Chim sẻ con nào cũng béo nung núc bởi đã được thỏa thuê ăn thóc vương thóc vãi. Buổi tối, chúng tôi rủ nhau mang theo một chiếc thang leo, vài cái đèn soi và giỏ đựng chim, đi lần lượt từng nhà. Chúng tôi đứng dưới mà soi đèn ngược lên mái nhà, thấy những chú chim sẻ cuộn tròn say ngủ, thì một đứa nhẹ nhàng trèo lên, thọc tay vào mái nhà mà gọn gàng tóm lấy từng con một. Lúc đó, chim sẻ mới choàng tỉnh, mở to đôi mắt ngái ngủ, ngỡ ngàng nhìn chúng tôi đang cười rúc rích. Soi hết lượt các nhà trong làng, chúng tôi thường bắt được vài chục con chim sẻ.
Khi chim sẻ đã vãn, chúng tôi chuyển sang bắt những con chim bói cá. Loài chim này thường đào hang ven các bờ ao, bờ sông nơi có bụi cây sậy hoặc vài cành tre sà xuống để làm chỗ đậu. Vào mùa đông, chim bói cá ít ra ngoài kiếm ăn hơn nhưng khổ nỗi, chúng có bộ lông rất sặc sỡ nên rất dễ bị phát hiện. Chúng tôi tập trung để ý và lần theo đường bay mà tìm nơi trú ẩn của chim bói cá. Hang của loài chim này thường rất nông nên chỉ cần thò tay vào là bắt được chúng một cách dễ dàng. Không cần nhiều như chim sẻ, chỉ vài ba con bói cá là có thể chế biến được một đĩa thịt chim ngon lành, hấp dẫn...
Trước sự ô nhiễm của môi trường và sự đánh bắt quy mô lớn với những phương tiện hiện đại, các loài chim cứ thưa thớt dần, thậm chí có loài gần như đã tuyệt chủng. Bây giờ, khi mùa đông đến, tôi lại mong những đàn chim tránh rét trở về, không phải là để đi bắt chúng nữa mà là để bầu không gian được vui nhộn và ấm áp hơn...
Tản văn của TRẦN VĂN LỢI