Những ngày giáp Tết

Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 21/01/2014

Dường như những ngày cuối năm này trong lòng những đứa con xa quê đều nao nức muốn trở về bên gia đình, quây quần đầm ấm để ăn Tết và đón chào năm mới. Có lẽ đây luôn là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm với tất cả mọi người. Thành phố cuối năm như rộn ràng, hối hả hơn rất nhiều vì ai cũng mong sớm hoàn thành công việc còn dở dang để chuẩn bị Tết. Những đào, mai, bánh mứt được bày bán sớm càng khiến lòng ta thêm háo hức bâng khuâng.

Tôi nhớ những ngày giáp Tết ở quê, không khí cũng rộn ràng, tất bật lắm. Đây là khoảng thời gian cày cấy vụ đông xuân nên trên những cánh đồng người người, nhà nhà đều hăng hái làm việc. Ai cũng bảo nhau cố gắng làm cho nhanh xong để còn kịp ăn Tết. Tiết trời cuối năm rất lạnh nhưng  không khí lại ấm áp hẳn lên. Cánh đồng lúa vừa được gieo trồng cũng như mang trong mình sức sống của một mùa xuân sắp đến. Khi việc đồng áng đã xong xuôi sẽ là những ngày người ta nhộn nhịp sắm Tết. Ngày hai tám, hai chín Tết là lúc mọi nhà đều đã rửa lá dong, xay đỗ, ngâm gạo để chuẩn bị gói bánh chưng. Ngày tôi còn nhỏ, khi ấy quê tôi còn chưa có điện thắp sáng. Những đêm giáp Tết bếp lửa nhà ai cũng bập bùng sáng thâu đêm đun bánh chưng. Bố mẹ tôi thường thay nhau thức để trông lửa và thêm nước vào nồi. Giấc ngủ trẻ thơ của tôi cũng trở nên chập chờn vì cái ý nghĩ mong trời nhanh sáng để được đi chợ Tết. Sáng hai chín, tiếng lợn kêu ồn ĩ khắp xóm làng, thường cứ ba hoặc bốn nhà chung nhau làm thịt một con lợn, còn tùy thuộc vào lợn lớn hay nhỏ. Khi bố tôi cùng với những người hàng xóm làm thịt lợn thì tôi theo mẹ đi chợ Tết. Chợ quê ngày Tết đông vui hơn hẳn. Người từ các ngõ, các ngả đường nhộn nhịp đi sắm Tết. Tôi bám chặt lấy áo mẹ vì sợ đi lạc nhưng mắt thì háo hức nhìn xung quanh, mọi thứ với tôi đều mới lạ và đẹp đẽ. Khi ấy tưởng như chợ Tết là cả thế giới với tôi. Quầy hàng bán bóng bay đông nghịt trẻ con, đứa nào cũng muốn mua được những quả bóng đủ màu để Tết thổi chơi. Khu chợ quần áo càng rực rỡ hơn với những bộ quần áo đẹp mắt. Khi đi qua đó tôi cứ níu áo mẹ lại. Tôi còn quá nhỏ để biết rằng nhà mình rất nghèo, ngày Tết đâu có tiền để mua quần áo mới. Mẹ phải dỗ mãi tôi mới rời bước theo mẹ đi đến các hàng khác nhưng mắt tôi vẫn ngoái lại rơm rớm. Mẹ tôi đem theo một chiếc làn nhựa màu đỏ, mẹ mua nào vàng mã, nhang, dầu thắp, bánh kẹo, muối, bột ngọt, mì miến… rất nhiều thứ mà ngày thường nhà tôi không có bao giờ. Tôi sung sướng nhìn chiếc làn đầy ắp đồ trên tay mẹ nên nhanh chóng quên đi nỗi tủi thân con trẻ vì không có quần áo mới. Đến tận quá trưa chợ Tết mới tan. Về đến nhà tôi đã thấy bố vớt bánh chưng ra một chiếc nong lớn, chờ cho bánh nguội để treo lên gác. Thịt lợn được bố chế biến, gia giảm thành rất nhiều món. Những chiếc bánh to đẹp nhất, những khổ thịt ngon nhất được bố mẹ tôi để riêng để đi biếu Tết nhà nội và nhà ngoại. Sáng ba mươi Tết tôi lại theo mẹ đi Tết nhà nội, nhà ngoại. Buổi chiều bố tôi làm mâm cơm tất niên cúng tổ tiên và chuẩn bị đón giao thừa.

Ký ức về những ngày giáp Tết thời thơ ấu như sống lại vẹn nguyên trong tôi. Giờ đây tôi đang đứng giữa thành phố xa hoa, xung quanh tôi những đồ Tết được bày bán đẹp đẽ và sang trọng hơn những món đồ Tết ở chợ quê rất nhiều nhưng lòng tôi vẫn rưng rưng nhớ về quầy bóng bay, quầy bán quần áo và chiếc làn đỏ đầy ắp đồ của mẹ ngày xưa. Giờ này ở quê có lẽ bố mẹ tôi cũng đang tất bật chuẩn bị cho những ngày Tết và chờ tôi trở về. Từ lâu, nhiều gia đình ở quê tôi đã không còn gói bánh chưng, những đêm giáp Tết không còn ánh lửa bập bùng cháy thâu đêm. Cũng đã vắng dần tiếng lợn kêu những ngày hai chín Tết. Cuộc sống hiện đại hóa, mọi thứ bây giờ đều có sẵn. Nhưng sao tôi vẫn thèm đến cồn cào cái không khí giáp Tết tuy nghèo nhưng ấm áp ngày xưa.

Tản văn củaNGUYỄN THỊ KIM NHUNG