Biển gọi
Xã hội - Ngày đăng : 14:25, 01/07/2014
Hồi trẻ, cũng như nhiều người, tôi mơ thấy biển. Biển thế nào nhỉ. Trên đê sông Thái Bình, mắt tôi dõi nhìn chân trời phía đông, mường tượng… Rồi gặp mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi, náo nức lạ thường:
Dòng sông đã trải qua bao nẻo
Hôm nay trông thấy biển kia rồi
Gió cuộn bốn bề cười với sóng
Có những gì như muốn gọi tôi
Đúng là biển gọi tôi.
Lại nghe du dương Biển hát chiều nay của Hồng Đăng: Biển trời rất xanh gọi nắng xôn xao…
Biển lại càng vẫy gọi…
Rồi tôi cũng đã nhiều lần đến với biển. Chiêm ngưỡng biển. Biển của ta mênh mông. Biển xanh nối với trời xanh, cách nhau chỉ là một đường thẳng, như nét vạch ngăn đôi một trang giấy khổng lồ.
Thoạt đầu, cứ tưởng biển tĩnh lặng. Nhưng khi đã đắm mình với biển, mới ngộ ra một điều: biển đầy sóng. Biển luôn luôn chuyển động. Sóng dồn dập từ xa ì oạp vỗ bờ, cứ đẩy tôi vào rồi lại kéo tôi ra… Thích thú quá chừng.
Mới biết ngư dân yêu biển biết nhường nào. Biển vốn hào phóng, luôn chìa tay ra với những người con ngày đêm vượt sóng ra khơi. Tháng ba, mùa cá cơm. Sang tháng tư, cá trích. Giữa năm vui mùa cá nục. Và một, chạp, dồn dập cá ngừ...Với họ, biển tạo cơ hội mưu sinh, nhưng cũng rập rình bao nhiêu rủi ro, vất vả. Bão tố, thiên tai bất ngờ. Nhưng dầu vậy, tiếp bước cha ông, họ vẫn giữ nghề. Tàu thuyền như những cái chấm nhỏ ngày ngày rải khắp trùng khơi. Những cái chấm nhỏ nhưng lại mang một thông điệp lớn, đây chính là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam…
Hôm nay, chợt nhận ra một tầng nghĩa mới nào đó trong thơ Nguyễn Đình Thi: Có những gì như muốn gọi tôi. Gọi tất cả chúng ta. Bởi biển Đông đang dậy sóng. Có kẻ mưu toan làm nhơ đục làn nước trong xanh. Nhạc Trịnh có câu Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người. Không! Biển của chúng ta chỉ xô ngã những dã tâm bành trướng. Biển gọi… Và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đáp lời.