Đi qua mùa lũ
Xã hội - Ngày đăng : 08:07, 12/09/2016
Miền Bắc đã bước vào mùa mưa với những cơn mưa dữ dội, dai dẳng. Những cơn bão từ biển đổ vào, những đợt áp thấp nhiệt đới đều được dự báo trước nhiều ngày nhưng khi mưa bão đến người ta vẫn luôn bất ngờ, hốt hoảng. Hay ít ra cũng là sự cuống cuồng, hối hả và không ít âu lo.
Ở thành phố, nơi mà lâu nay người ta vẫn nghĩ mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Nơi mà chuyện mưa nắng tưởng rất đỗi bình thường khi mà đa số người đều làm việc trong văn phòng của những tòa nhà cao lớn, hiện đại và chắc chắn. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ của bao người chưa sống ở phố vào mùa mưa. Trong căn phòng trọ cũ kỹ, những ngày nắng nung nhất tôi vẫn luôn cảm thấy hài lòng vì sự mát mẻ của căn phòng này. Xung quanh nó là những ngôi nhà rất cao, chúng chắn nắng cả ngày cho căn phòng bé nhỏ của tôi. Thế nhưng vào những ngày mưa bão, bức tường cũ là nơi nước mưa có thể ngấm vào dễ dàng làm ẩm mốc. Những giấy dán tường trang trí, những bức tranh của tôi thoáng chốc đã trở nên ướt sũng. Nền nhà quá thấp, ống thoát nước từ các nhà cao tầng dội xuống xối xả, nước không thoát kịp, căn phòng của tôi chốc lát đã lênh láng những nước. Tôi ngồi co chân trên chiếc giường cũ nhìn mưa giông trắng trời và nghĩ đến căn nhà lá dột cũ của cha mẹ ngày xưa.
Căn nhà cũ của tôi lợp lá cọ với những bức vách được đan bằng tre, nứa và trát bùn trộn trấu nằm bên sườn đồi. Mỗi mùa nghiêng theo một hướng gió, nhưng đó từng là tổ ấm bình yên của gia đình tôi. Mặc dù trời mưa chúng tôi phải chạy chỗ này chỗ khác để tránh những chỗ dột, nhưng điều đó thú vị như một trò chơi con trẻ vậy. Anh em tôi đem hết xoong nồi, chậu, xô ra hứng nước mưa để nền nhà đất không bị ướt. Quan trọng nhất là sách vở, mẹ luôn tìm chỗ cao và khô nhất để cất cho chúng tôi.
Mỗi cơn bão, cha tôi thông báo với mọi người trong xóm về tình hình mưa gió sau khi nghe dự báo từ chiếc đài cát sét cũ chạy bằng pin Con Thỏ xin được dưới làng sau khi người ta đã dùng qua. Cha áp đài vào tai, xoay đủ mọi hướng để nghe rõ hơn tiếng rè rè do đài đã cũ, pin yếu và sóng kém. Khi mưa lũ tràn về, con suối bên hông nhà hằng ngày trong vắt hiền hòa bỗng trở nên đục ngầu và chảy xiết. Tôi nhìn qua khe vách, hình dung con suối mùa lũ như một con mãnh thú dài bất tận đang lao mình về phía trước. Cha mẹ tôi luôn trông chừng anh em tôi vì sợ sự tò mò sẽ dẫn anh em tôi ra bờ suối. Mỗi khi gió bão giật mạnh, căn nhà lại rung lên, cột tre kêu rắc rắc. Cha tôi an ủi chúng tôi rằng, nhà mình tuy xiêu vẹo nhưng tre nứa rất dẻo dai, chúng nương tựa vào nhau, níu giữ, nâng đỡ cho nhau nên không thể nào đổ sập được. Anh em tôi vượt qua những cơn sợ hãi mưa bão vì niềm tin ấy. Sau này tôi hiểu hơn, rằng cha tôi buộc bịn, chằng néo ngôi nhà trong giông bão bằng chính nghị lực, tình yêu thương của người, để chúng tôi có một tuổi thơ bình yên ngay trong giông bão.
Những ngày mưa bão anh em tôi và những đứa trẻ xóm núi đều phải nghỉ học, vì phải vượt qua con suối chúng tôi mới đến được trường. Khi đó con suối giống như cả một vũ trụ thăm thẳm ngăn cách chúng tôi với thế giới bên ngoài. Mưa ngớt, chúng tôi dắt nhau ra đứng nhìn con suối vẫn hung dữ, cuồn cuộn lao đi mong cho nước vơi dần và trong trở lại. Nhưng cũng phải mất đến cả tuần, khi lũ từ thượng nguồn không còn đổ về nữa, con suối của chúng tôi mới cạn dần, để lộ ra những tảng đá hằng ngày chúng tôi vẫn bước qua. Cha không yên tâm để chúng tôi đi, người cõng từng đứa một, lội qua dòng nước sâu đến lưng đùi và còn chảy rất mạnh. Buổi chiều tan học về, chúng tôi đã thấy cha đứng đợi bên bờ suối và lại cõng từng đứa qua.
Chúng tôi trưởng thành khôn lớn theo từng mùa mưa bão, từng hướng nghiêng của ngôi nhà mình. Khi những tri thức dẫn chúng tôi đi xa hơn cha mẹ đã quyết định dựng một ngôi nhà mới vững chãi hơn ở dưới làng để chúng tôi không phải đi lại vất vả. Những người trên xóm núi cũng dần chuyển về làng ở. Nơi ấy giờ thành đồi trồng bạch đàn, chỉ con suối vẫn khi thì lặng lẽ, lúc ồn ào dữ dội chảy qua bao nhiêu mùa.
Tản văn củaNGUYỄN THỊ KIM NHUNG