Chập chờn ký ức
Xã hội - Ngày đăng : 05:49, 02/09/2018
Bà ngồi ngoài hiên nhà nhìn đứa cháu trai bắc ghế treo cờ trên cổng. Trên ti vi đang phát lại cuốn phim lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945. Tựa lưng vào chiếc ghế mây, bà để mặc ký ức chập chờn hiện về bảng lảng như mây khói...
Năm 1945, bà vừa tròn mười sáu tuổi. Lúc bà đang đi làm ngoài đồng thì bỗng thấy bà con nông dân túa ra từ khắp nơi, bỏ cả ruộng đồng chạy dọc đường vẫy nón hò reo. Tin Cách mạng Tháng Tám thành công được loan ra khắp nơi. Bà đi lẫn giữa dòng người khóc cười hạnh phúc, quên đi cả cái đói đang cồn cào trong bụng. Rồi ký ức về ngày này chỉ còn đọng lại trong những lần ngồi chờ con cháu trở về sum họp trong dịp Quốc khánh. Lúc trẻ thì chờ con, lúc già thì chờ cháu. Đến bây giờ thì lại nhớ mấy đứa chắt nội, chắt ngoại xinh xắn đáng yêu. Con cháu đa phần đều đi làm ăn xa, cả năm chỉ chờ đến ngày lễ mới được nghỉ để về thăm quê. Gà nhốt sẵn ngoài chuồng, quả ngọt phần trong vườn, nhìn con cháu quây quần mà lòng bà rưng rưng xúc động. Bà không biết mình còn được đón bao nhiêu ngày lễ 2.9 như này nữa. Bao nhiêu lần được giang tay ôm vào lòng những đứa chắt dễ thương. Trước cổng nhà, cờ Tổ quốc phấp phới tung bay giữa bầu trời chớm thu trong xanh vời vợi...
Những ngày này bà nhìn đâu cũng thấy bóng ông. Lúc còn sống ông thường ngồi trên chiếc sập gụ giữa nhà xem những tập phim tài liệu về Cách mạng Tháng Tám, phong trào phá kho thóc Nhật. Đó là cách khơi gợi trong ông những ký ức về một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, thời mà ông từng sống. Nhờ nó mà ông luôn thấy những khó khăn trong hiện tại chỉ là chuyện nhỏ. Cái thời áo không có mặc, ngô sắn còn không có để ăn mà đồng bào ta vẫn vùng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Ông hay kể những câu chuyện thời chiến để con cháu hiểu về lịch sử nước nhà. Mà có những điều chúng tôi chưa bao giờ được học trong sách vở. Ông giống như một kho sử sống đầy sinh động. Ngay cả những năm cuối đời ông có thể đãng trí quên uống thuốc, quên chiếc gậy để đâu, quên vừa ăn cơm với những món gì. Nhưng ông không bao giờ quên những trận đánh mà mình từng tham gia cùng đồng đội. Hỏi cách nấu bếp Hoàng Cầm, cách phân biệt quả độc trong rừng, cách tạo ra lửa hay tìm nguồn nước thì ông lại tỏ ra minh mẫn. Ông dạy tôi cách tìm hướng khi đi du lịch bị lạc trong rừng. Cách tạo ra khói để gọi người đến cứu. Cách để sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn. Cũng có lúc nhìn con cháu trải qua những biến cố thăng trầm trong cuộc sống, ông ân cần bảo: “Các cháu giờ đừng gặp chút khó khăn là chán nản kêu than. Phải biết cố gắng các cháu à. Bây giờ ruộng đồng của ta, trời đất của ta, mồ hôi rơi xuống là thành lúa gạo cất trong hòm, tiền trong túi. Khó như đánh giặc còn làm được thì có việc gì là không thể giải quyết được đâu”.
Ông mất. Chúng tôi nhớ về ông bằng những câu chuyện về một thời kỳ lịch sử. Nhưng bà chỉ nhớ về ông bằng tất cả những gì gần gũi nhất. Như ngày 2.9 này, nếu còn sống ông sẽ ra vườn hái lá mai làm bánh tò he, xâu thành từng túm nhỏ chia cho các cháu. Ông ngồi ở góc sân làm nộm hoa chuối vì biết con trai cả thích ăn. Cũng có khi ông đan mấy cái giỏ nhỏ xinh làm quà cho cháu chắt...
Trong bữa cơm sum họp gia đình chúng tôi ngồi nghe bà nhắc về ông bằng chập chờn ký ức.
Tàn văn của TRANG VŨ