Cảm xúc đầu năm

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 01/01/2019

Quê hương, đất nước và những người con trên mảnh đất tỉnh Đông thân yêu này vừa trải qua 365 ngày với nhiều niềm vui đan xen những lo toan bươn chải mưu sinh.

Thế là năm cũ đã qua, năm mới đến. Cầm tờ lịch mới trên tay, tôi không khỏi bồi hồi. Quê hương, đất nước và những người con trên mảnh đất tỉnh Đông thân yêu này vừa trải qua 365 ngày với nhiều niềm vui đan xen những lo toan bươn chải mưu sinh. Ngày mỗi ngày cho ta thêm niềm tin yêu, sức sống mới. Niềm tin yêu giúp ta vượt qua nhiều khó khăn để đến với những kết quả tuy nhỏ bé nhưng đáng trân trọng của mỗi người, mỗi gia đình. Cùng với niềm vui là sự trăn trở, những dự định công việc đầu năm. Phải làm gì đây để quê ta tiếp tục giàu lên, cho mẹ ta, em ta không còn cảnh thiếu thốn, nhiều lo toan mỗi mùa mưa bão nước ngập trắng đồng, không còn bóng dáng những người cô đơn lầm lũi đi trong màn sương lạnh chiều đông khi vụ gặt đã qua, những thửa ruộng chỉ còn trơ lại gốc rạ khô queo màu xám lạnh, cây khô lá vàng, gió bấc hun hút thổi. Thay vào đó là những mái ấm, tình yêu thương, hạnh phúc, không còn người nghèo khó, cơ nhỡ.

Hôm qua nhận được tin của đứa cháu ở quê bảo xã mình đạt chuẩn nông thôn mới, hôm tới xã tổ chức đón bằng, mời chú về quê. Hôm đó cũng là ngày làng mình khánh thành sửa chữa đình làng, tổ chức hội đình. Nghe giọng nói hồ hởi của cháu mà lòng cứ rưng rưng. Quê mình xưa nghèo lắm. Vốn dĩ là vùng đất bạc màu, thau chua, động mưa là úng, nắng lên là hạn. Cây lúa còi cọc lơ thơ như cỏ may. Mỗi vụ lúa chỉ được mấy ngày gặt là đông vui. Sau đó mỗi người lại đi tha phương kiếm ăn. Nay đồng đất được cải tạo, lúa tốt, rau màu xanh mướt mát. Những bắp ngô, củ khoai mập mạp to tròn. Lúa cấy giống mới, gạo chất lượng cao, xe ô tô thương lái các nơi đổ về thu gom chuyển đi. Các khâu canh tác nhà nông bây giờ cơ giới hóa gần hết. Làm đất có máy cày bừa. Nước tưới tiêu theo mương máng nội đồng dẫn vào ruộng. Gieo cấy có kỹ thuật mới. Vụ gặt có máy gặt đập liên hoàn, nông dân chỉ còn mang thóc về phơi. Gặp ngày mưa, thóc đã có máy sấy. Thế mà cũng chẳng có mấy người muốn làm nông nghiệp. Cày bừa, cấy gặt đều thuê cả. Ở làng chỉ còn những người đứng tuổi và các cụ già làm việc vặt trong nhà. Thanh niên nam nữ đi làm công ty. Cứ sáng ra xe máy chạy vù vù. Tính ra lương một tháng đong được vài tạ thóc, một năm hơn hai tấn thóc, tội gì làm ruộng cho chân lấm tay bùn... 

Bây giờ đời sống khá giả, khánh thành đình làng chắc hẳn đông vui lắm. Những kỷ niệm xưa lại hiện về. Đình làng xưa to rộng, 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung. Sân đình rộng gần 3 sào. Những ngày hội đình chật ních người. Nhớ nhất những buổi múa lân, kéo co, đánh vật. Tối đến xem hát chèo, hát trống quân, diễn tuồng. Bọn trẻ chúng tôi rồng rắn đuổi nhau. Cạnh đình làng là cây đa rủ bóng xuống bờ ao. Chiều hè, đi chăn trâu về, cột trâu dưới gốc đa, mấy đứa bạn thi nhau trèo lên cây, đu cành nhảy ùm xuống ao tắm. Có bận, thằng Đều trèo chót vót lên cành cao, nhảy xuống ao, chui vào đám bèo tây gần bờ chỉ để hở hai lỗ mũi. Lâu không thấy nó lên, tưởng chết đuối rồi, chúng tôi nháo nhào đi tìm. Tôi hoảng quá chạy vội về nhà gọi bố nó. Ông Đón, bố Đều vừa đến thì Đều đội bèo tây bơi vào bờ nhe hàm răng sún cười. Lại còn thằng Hân đen nữa, nó bảo lặn xuống ao đố đứa nào tìm được. Thế rồi nó lặn thật. Từ trên cành đa nó nhảy ùm xuống ao, chui qua cống bơi sang ao khác ẩn. Chúng tôi tìm mãi không thấy, chịu. Sau mới biết nó trèo lên cây bưởi cạnh bờ ao nhà cụ Ấm. Ranh thế. Lớn lên mỗi đứa đi một nơi. Hân đen thì vào hải quân đóng giữ ở một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, lấy vợ là giáo viên ở Nha Trang (Khánh Hòa). Đều thì lên miền núi Tây Bắc lập nghiệp. Chắc kỳ này cũng về quê gặp nhau ở hội đình làng. 

Thời gian trôi qua thật nhanh, thoắt cái lứa chúng tôi đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng những kỷ niệm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong lòng mỗi người.

Đầu năm, ôn lại chuyện xưa để nghĩ về những đổi thay của ngày hôm nay, bước vào một năm mới với biết bao hứa hẹn, đợi chờ.

VŨ HOÀNG LUYẾN