Đảng, Bác Hồ và mùa xuân đất nước
Xã hội - Ngày đăng : 17:25, 22/01/2020
Bác Hồ thăm và nói chuyện với nhân dân xã Nam Chính, Nam Sách ngày 15.2.1965. Ảnh tư liệu
Từ mùa xuân Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt nam ra đời. Trải qua 90 năm chiến đấu, rèn luyện, trưởng thành, Đảng đã làm nên những trang sử vẻ vang, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân vùng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi thực dân Pháp phản bội, quay trở lại cướp nước ta một lần nữa, Đảng và Bác Hồ tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến đầy cam go, gian khổ, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở miền Bắc. Miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước. Phải mất 30 năm chiến tranh gian khổ, đất nước mới có được sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh khó khăn của những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong lúc chúng ta đang dồn sức tập trung khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, thì ở 2 đầu biên giới phía Bắc và phía Tây Nam lại xảy ra chiến tranh. Một lần nữa chúng ta lại lao vào cuộc chiến đấu mới bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Sau khi giành chiến thắng, chúng ta phải xây dựng đất nước trong hoàn cảnh khó khăn do hậu quả nhiều năm chiến tranh để lại, cùng với sự bao vây cấm vận từ bên ngoài. Công nghiệp kém phát triển, kỹ thuật lạc hậu. Nông nghiệp thất bát do thiên tai hạn hán, lũ lụt, gạo không đủ ăn phải nhập khẩu lương thực. Cơ chế cũ không còn phù hợp với hoàn cảnh mới.
Trong lúc ấy, lời dạy của Bác Hồ năm xưa lại vang lên thúc giục chúng ta: "Thắng giặc Mỹ sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Làm gì và làm như thế nào để thực hiện được lời dạy của Bác Hồ đã thúc giục chúng ta đi tới. Những bộ óc sáng suốt của Đảng lại chụm lại, suy nghĩ trăn trở tìm hướng đổi mới, khẩu hiệu hành động lúc đó là: Đổi mới hay là chết? Đảng đã tìm ra con đường Đổi mới. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Đại hội của Đổi mới, mở ra một thời kỳ phát triển mới, mở đầu là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa, phát triển kinh tế các thành phần.
Sau Đại hội VI, đất nước đã có những chuyển biến tích cực. Đến Đại hội VII, từ cương lĩnh năm 1930, Đảng xây dựng cương lĩnh năm 1991, khẳng định công cuộc đổi mới hoàn toàn đúng đắn phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay và xu thế của thời đại. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cương lĩnh "Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) và khẳng định: Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ II (năm 1952), Bác Hồ nói: "Đảng lao động Việt Nam là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để". Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ của nhân dân".
Với Bác Hồ, Đảng với nhân dân phải là một, "Đảng là đứa con nòi" của giai cấp, của nhân dân nên phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Do vậy bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, công tác xây dựng Đảng cũng cực kỳ quan trọng. Bác Hồ chỉ rõ: "Đảng có vững mạnh cách mạng mới thành công".
Trong khi khẳng định những thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới mang lại, Đảng vẫn cảnh báo nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với thế giới, khu vực và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tồn vong của Đảng, của chế độ. Bác Hồ cũng từng chỉ ra: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sự hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ trong bối cảnh và tình hình thực tiễn hiện nay, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đến là các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều tập trung vào công tác xây dựng Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Điều đó thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng Đảng trước mắt và lâu dài, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và cán bộ - khâu then chốt của then chốt, tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2020), kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, sự hòa quyện gắn kết giữa Đảng - Bác Hồ - mùa xuân đất nước tạo thêm niềm tin, sức mạnh mới và khát vọng đi đến mùa xuân thịnh vượng!
VŨ HOÀNG LUYẾN