Đại hội XIII của Đảng: Bài 3: Tiếp nối nền tảng vững chắc tiến tới tương lai

Chính trị - Ngày đăng : 08:58, 27/01/2021

Nhiệm kỳ 2016-2020 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khép lại với nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện và tạo được dấu ấn trên hầu hết các lĩnh vực.

Bài 1: Đảng Cộng sản Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

Đây có thể coi là nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào nhiệm kỳ tiếp theo với những mục tiêu lớn hơn. Đánh giá về kết quả 5 năm vừa qua của Việt Nam, giới chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam tiếp tục có những bước tiến dài.

Chú thích ảnh
Hình ảnh tuyên truyền cổ động trên các tuyến phố Hà Nội chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Tình hình thế giới và khu vực trong 5 năm qua có nhiều diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, đặc biệt đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát cuối năm 2019 đầu năm 2020 là “cú sốc chấn động”, khiến thế giới rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1930. Trong bức tranh gam màu xám đó, Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi với việc đảm bảo ổn định chính trị, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời nâng cao hơn nữa uy tín, vai trò và vị thế trên trường quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng “ Mây đen bao phủ toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”.

Thực tế chứng minh kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 có những bước tiến vượt bậc, tô đậm những thành tựu của 35 năm Đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019 đạt bình quân 6,8%/năm. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 2,91%, thuộc nhóm những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam trong năm 2020 đã vượt qua Singapore và Malaysia trở thành nền kinh tế đứng thứ tư trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Economist Intelligence Unit, đơn vị nghiên cứu  thuộc Tạp chí The Economist, đánh giá Việt Nam đã vươn lên trở thành một cơ sở sản xuất chi phí thấp trong chuỗi cung ứng châu Á, vượt trội hơn Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về nhiều chỉ số, bao gồm chính sách trong lĩnh vực FDI, ngoại thương và kiểm soát ngoại hối.

Điều được giới chuyên gia đánh giá cao không chỉ nằm ở những con số ấn tượng, mà còn ở việc Việt Nam đã vươn lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong nền kinh tế toàn cầu. Việc đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo đã chứng minh vai trò quyết định Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để đất nước có thể vượt qua khủng hoảng.

Đánh giá về những kết quả này, bà Suiwah Leung, Phó Giáo sư kinh tế danh dự tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng Việt Nam đã có chính sách tốt và chính sách này sẽ tiếp tục đóng vai trò trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trong khi đó, nghiên cứu viên cao cấp Veeramalla Anjaiah thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), cho rằng “với một chính phủ đổi mới, tiến bộ” và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong phát triển kinh tế và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là “một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới”.

Bằng việc liên tục ký kết 5 hiệp định thương mại tự do và thực thi 4 hiệp định trong giai đoạn 2016-2020 với quy mô và ưu đãi ngày càng rộng mở, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế quốc tế. Có thể kể đến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên trong năm 2019 tăng 3,9% so với năm 2018, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) góp công thúc đẩy ký kết năm 2020 sau 8 năm đàm phán, đã tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP gần 27.000 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Cùng với các hiệp định khác như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA)…, Việt Nam đã mở rộng được thị trường với quy mô chưa từng có, tạo cơ hội tăng trưởng cho cả nền kinh tế, các lĩnh vực và doanh nghiệp. Tiến sĩ Takashi Hosoda - chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc trường Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc) nhận định việc đẩy mạnh tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương quan trọng trong 5 năm qua đã khẳng định chủ trương tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, qua đó góp phần quan trọng tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế.

Bên cạnh kinh tế, những dấu ấn về xã hội, giáo dục, y tế, thể thao và phát triển con người của Việt Nam trong 5 năm qua tiếp tục được ghi nhận và đánh giá cao. Nổi bật nhất chính là thành tựu chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân trong năm 2020 đầy khó khăn, trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên trên hết.

Nhiệm kỳ XII chứng kiến Việt Nam thể hiện vai trò, vị thế và tiếng nói ngày càng nổi bật trên trường quốc tế. Mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện tiếp tục được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, đan xen lợi ích được tăng cường; phát huy vai trò tại Liên hợp quốc (LHQ), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN và các diễn đàn, cơ chế liên quan. Theo đánh giá của Tiến sĩ Takashi Hosoda, chính sách đối ngoại đa phương hóa đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, thể hiện qua việc thiết lập các cơ chế hợp tác song phương và đa phương để kết nối với thế giới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam.

Sau 43 năm trở thành thành viên LHQ, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất vào hoạt động của tổ chức đa phương này, như đánh giá của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres: “Việt Nam luôn là đối tác mạnh của Liên hợp quốc”. Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công, giữ vai trò đầu tàu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ. Với những đóng góp đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ.

Đặc biệt, Việt Nam đã lần thứ hai được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu gần như tuyệt đối. Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ Dian Triansyah Djani đánh giá, trên cương vị Chủ tịch HĐBA ngay từ tháng 1/2020, Việt Nam đã làm việc “một cách rất hiệu quả và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”, đồng thời thể hiện rõ vai trò của một ủy viên không thường trực HĐBA luôn chủ động đóng góp vào mọi lĩnh vực hoạt động của LHQ.

Uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á càng được khẳng định trong nhiệm kỳ 2016-2020, đặc biệt khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 vô cùng khó khăn do dịch COVID-19. Vai trò của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 được Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá là “mẫu mực” bởi Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức mới, trước hết là dẫn dắt ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đánh giá về giai đoạn Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ông Pallab Sengupta, Trưởng Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Ấn Độ, bày tỏ ngưỡng mộ và nhấn mạnh rằng “bất kỳ ai cũng cần phải ngợi ca những thành quả tích cực mà Việt Nam đạt được sau Đại hội XII về hiện đại hóa công nghiệp và phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến. Cũng trong giai đoạn này, ổn định chính trị-xã hội được tiếp tục được tăng cường, quốc phòng-an ninh được củng cố hơn nữa. 5 năm qua cũng chứng kiến những thành công trong chính sách đối ngoại của Việt Nam dựa trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa về quan hệ đối ngoại, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Giáo sư Chuan Petkaew của Đại học Suratthani Rajabhat (Thái Lan), đồng tác giả cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Thái Lan hiện đại”, khẳng định rằng chính sự ổn định về mặt chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất để Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt trong những năm qua.

Những bước tiến đột phá trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ghi nhận sự nỗ lực của toàn hệ thống, của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời khẳng định sự tín nhiệm cao của người dân Việt Nam dành cho Đảng. “Lửa thử vàng, gian nan thử lửa” – 5 năm qua đã thể hiện bản lĩnh vững vàng và khả năng lãnh đạo, chèo lái đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong những giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách. Thế và lực của đất nước sau 35 năm Đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều, bản lĩnh và vị thế của Việt Nam đã được khẳng định toàn diện và rõ nét. Đây là nền tảng vững chắc để đất nước bước vào giai đoạn 2021-2025 hướng tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Theo TTXVN