Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành hành động thiết thực

Chính trị - Ngày đăng : 10:55, 10/03/2021

Việc triển khai ngay các nội dung đã được Trung ương quyết định tại Hội nghị lần thứ hai góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung đã được Đại hội XIII của Đảng xác định ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII

Sau hơn một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, bế mạc vào sáng 9.3.

Là hội nghị thứ hai của Trung ương khóa mới, nhiều nội dung quan trọng để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống cũng như kiện toàn đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị đã được Trung ương bàn thảo, quyết định tại Hội nghị này.

Diễn ra sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân của Đại hội XIII tiếp tục được thể hiện rõ nét tại Hội nghị lần này.

Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nội dung công việc của Trung ương là đặc biệt quan trọng, xác định nội dung Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước.

Những nội dung quan trọng này đã được hoàn thành trong hơn một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ.

Thành công này có được theo đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Bộ Chính trị đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiều công việc quan trọng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có việc chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung để trình Hội nghị Trung ương 2, bảo đảm cho Hội nghị thành công tốt đẹp".

Tại hội nghị, Bộ Chính trị đã chuẩn bị dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương để trình Trung ương xem xét, quyết định. Đây là công việc quan trọng của hội nghị Trung ương đầu nhiệm kỳ, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa để chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII với ước vọng của toàn dân tộc "để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu...".

Qua thảo luận, Trung ương cơ bản tán thành với tờ trình, dự thảo Chương trình làm việc và đánh giá dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; nội dung khá toàn diện, cơ bản thể hiện được chủ đề, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ trọng tâm do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành Nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường chỉ đạo tổ chức và kiểm tra việc thực hiện, Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, nhằm tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới mà Đại hội XIII đã xác định.

Để thực hiện tốt chương trình làm việc toàn khóa đã được Trung ương thông qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết ngay sau hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai một cách nghiêm túc; phân công rõ ràng các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chuẩn bị các đề án cụ thể. Sau hội nghị, các đồng chí sẽ trở về lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh, thành, ngành triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Một nội dung quan trọng khác là Trung ương đã thực hiện việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước tại hội nghị lần này. Trên cơ sở khẳng định cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho thực hiện việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tại hội nghị, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội - những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước ta với số phiếu rất tập trung, thể hiện sự đoàn kết thống nhất cao trong Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Căn cứ kết quả biểu quyết và giới thiệu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước để chuẩn bị trình Quốc hội, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan nhà nước. Đây là một bước quan trọng trong việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ này và cho chúng ta thêm kinh nghiệm để tiến hành các bước tiếp theo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Sau hội nghị này, cùng với việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự cấp cao tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết sẽ tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng và đảng đoàn ở những nơi có sự thay đổi nhân sự, bảo đảm sự thông suốt, liên tục trong các hoạt động của toàn hệ thống chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai việc nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, gắn với việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại..., đồng thời tiếp tục chuẩn bị chu đáo để tiến hành thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.


Các đại biểu dự phiên bế mạc hội nghị

Nhấn mạnh cuộc bầu cử Quốc hội không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của năm 2021, của nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ bầu cử còn có ý nghĩa quan trọng để chúng ta lựa chọn bầu ra những đại biểu đại diện cho nhân dân làm nhiệm vụ rất quan trọng là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặt mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trước bối cảnh mới, người đại biểu nhân dân cũng có những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 đã đưa ra 7 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, như trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực, uy tín…

Sau hội nghị, việc triển khai ngay các nội dung đã được Trung ương quyết định tại Hội nghị lần thứ hai góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung đã được Đại hội XIII của Đảng xác định ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo TTXVN