Những năm tháng ấy
Xã hội - Ngày đăng : 19:11, 30/04/2021
Chiến tranh đã lùi xa 46 năm rồi, vết tích của chiến tranh mờ dần do thời gian phong hóa và cuộc sống thay đổi từng ngày, từng giờ bởi cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu. Người Việt Nam ai chẳng nhớ câu: “Hận thù hãy viết lên cát, ân nghĩa hãy khắc lên đá”…
Những ngày cuối tháng tư, những người lính đã hành quân ra trận, có mấy ai lòng không trĩu nặng suy nghĩ chung riêng… Thời trai trẻ đã lùi lại phía xa, chiến tranh kết thúc, thỏa nỗi khát khao chờ đợi, niềm vui bất tận nhưng nỗi buồn cũng không hề nhỏ sau mỗi trận đánh, sau mỗi cuộc chia ly tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng, không chiếc quan tài, thiếu cả nén hương thơm bởi thần tốc truy quét giặc…
Qua mạng xã hội, nhiều vị tướng tá quân đội Sài Gòn đang sống lưu vong ở hải ngoại vẫn ra rả kêu gọi cuộc "chiến tranh cứu nước", vẫn mơ mộng trở về với chính quyền đã sụp đổ, nhiều binh sĩ tóc bạc phơ mặc sắc phục có phù hiệu sừng trâu, đầu ngựa, giương cao lá cờ vàng ba sọc… biểu dương lực lượng nơi đất lạ quê người.
Xin thưa, đừng làm trò thêm nữa. Thời các vị trẻ trai, được nước ngoài hỗ trợ vũ khí tối tân, trang bị đầy đủ quân tư trang vào trận đã phải bỏ chạy thục mạng ham sống sợ chết, làm gì có tình yêu quê hương, Tổ quốc, làm được gì hôm nay khi sức đã cùng, lực đã kiệt. Hãy lặng lẽ sống hết phần thời gian còn lại, hãy gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người, hổ thẹn với non sông đất nước, hãy day dứt lương tri ngẫm nhân sinh thế thái.
Cũng là lời cảnh tỉnh, lời nhắn nhủ đến những người mang danh nhà hoạt động chính trị bảo vệ nhân quyền, tự do bác ái, đi ngược lại đường lối xây dựng đất nước của dân tộc, gây rối trật tự xã hội, không mang lại lợi ích cho nhân dân… Xuyên tạc cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, coi thường sự hy sinh của cha anh… cái giá nào đã trả để các vị có cuộc sống hôm nay.
Những ngày cuối tháng tư năm 1975, những người lính trẻ nhất ở các mũi luồn sâu tấn công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn ai còn sống hôm nay cũng đã vào ngưỡng tuổi 70 rồi…
Ai ở mũi luồn sâu thuộc cánh Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng - với nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy làm sao quên được những trận đánh giải phóng Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long, Thủ Dầu Một, Bình Mỹ, Lái Thiêu, Bến Cát, Bình Dương… Trận chiến cuối cùng vượt cầu Vĩnh Bình vào Sài Gòn, xe tăng mở đường bị bắn cháy, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã xách súng lao ra khỏi xe chiến đấu, lấy thân mình che cho đồng đội, chấp nhận hy sinh… Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Sư 320B Nguyễn Huy Hiệu đưa xác Hoàng Thọ Mạc lên xe với ý định để anh cùng đồng đội tiến vào sào huyệt cuối cùng…
Kẻ địch khiếp sợ, tình đồng đội tăng thêm sức mạnh, mũi luồn sâu ào ạt tiến về đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy theo đúng kế hoạch tác chiến… Chiếc quan tài đẹp nhất đã được Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chọn mua để an táng đồng đội Hoàng Thọ Mạc ngay chiều 30.4.1975.
Đeo hàm thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu vẫn nhắc đến Hoàng Thọ Mạc - người được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên khi chiến tranh kết thúc, khi tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông vẫn thường xuyên quay lại đường chiến dịch tìm hài cốt đồng đội vì ông biết nhiều địa điểm đồng đội nằm lại sau những trận chiến ác liệt…
Những ngày tháng tư này, những người lính ở những mũi luồn sâu trận đánh cuối cùng ấy ai còn ai mất… Ai đã quên đồng đội, quên tất cả vì cuộc sống vương giả sang giàu… Ai trăn trở vì còn nghe "Nhắn tìm đồng đội", ai vẫn tự răn mình sống sao xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh, những chị những em thanh niên xung phong trên đỉnh Trường Sơn…
Lặng lẽ với tháng tư, khóe mắt cay cay nhớ về những năm tháng ấy.
HÀ TRỌNG ÐẠM