Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 12:42, 02/05/2021

Hỏi: Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

- Trả lời: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn ĐBQH; của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên.

ĐBQH có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

ĐBQH có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật. ĐBQH hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập.

- Hỏi:Quyền miễn trừ đối với ĐBQH được quy định như thế nào?

- Trả lời: ĐBQH có quyền miễn trừ khi làm nhiệm vụ. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố ĐBQH, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Trường hợp ĐBQH bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. ĐBQH không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Theo sách "Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026"