Bến đợi

Xã hội - Ngày đăng : 10:19, 25/07/2021

Tiếng gọi đò vang trên mặt sông, lan theo những đợt sóng ì oạp vỗ vào bờ. Thành đứng đây đợi đò nhìn sang bên kia sông xa hút tầm mắt. Mấy chiếc thuyền câu nhỏ nhoi mờ tỏ chìm vào làn mưa.

Ơi... đò!

Tiếng gọi đò vang trên mặt sông, lan theo những đợt sóng ì oạp vỗ vào bờ. Thành đứng đây đợi đò nhìn sang bên kia sông xa hút tầm mắt. Mấy chiếc thuyền câu nhỏ nhoi mờ tỏ chìm vào làn mưa.

Cũng ở bến sông này, năm xưa Lam tiễn Thành lên đường nhập ngũ. Ngày đó, Thành đang học năm cuối phổ thông, có giấy gọi lên đường. Họ tạm biệt nhau ở bến sông này. Lam xốc lại ba lô trên vai cho Thành, thủ thỉ với lời chia tay và hẹn nhau ngày trở về.

Chiến tranh qua đi, hôm nay Thành trở lại bến sông này. Bến sông đổi khác nhiều quá. Nhà tiếp nhà, mái ngói mái bằng, cửa gương lấp lánh. Con đường xuống bến đò năm xưa lồi lõm, nhỏ hẹp, nay được thay bằng đường trải nhựa phẳng mịn, rộng rãi cho người lên xuống đò. Bà lão bán hàng nước ngồi bình thản, miệng bỏm bẻm nhai trầu, đợi khách. Phía xa kia, cánh đồng xanh ngút ngát trải dài theo triền đê. Những thửa ruộng vuông vức cấy trồng những loại giống mới cứ ngời lên trong sắc nắng. Bên tả ngạn sông, nhấp nhô những ống khói nhà máy, công trường. Phía thượng lưu, cách bến đò chừng hơn hai cây số, chiếc cầu bê tông cốt thép vững chắc mới bắc qua nối với đường quốc lộ đi ra cảng Hải Phòng... Sự hy sinh trong chiến tranh để giành lại hạnh phúc là ước nguyện của toàn dân, trong đó có lớp lớp thanh niên như Thành. Mặc dù ngày trở về, thân thể Thành không còn nguyên vẹn như xưa, một bên chân, một bên nạng gỗ. Thành bị thương trong trận chiến đấu quyết liệt để giữ thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972. Hôm đó, trung đội của Thành được giao nhiệm vụ án ngữ bờ sông Thạch Hãn để yểm trợ cho bộ đội của ta từ bờ Bắc vượt sang. Trung đội của Thành bị những loạt pháo bầy của hạm đội Mỹ từ ngoài biển Quảng Trị bắn vào. Thương vong nhiều, nhưng vẫn giữ được trận địa...

Thành đứng đây đợi đò, nhớ về Lam, dẫu biết rằng Lam đã đi xa rồi, nhưng những kỷ niệm xưa vẫn sống trong lòng Thành. Thành nhớ về nơi ấy - nơi có hai miền quê, quê Lam và quê Thành, hai làng cùng chung một cánh đồng. Mùa cấy, mùa gặt, tát nước đêm trăng và những lời hò hẹn cùng nhau, đặt niềm tin, mong đợi. Cữ ấy vào độ cuối xuân, hoa gạo nở đầy bến sông. Những bông hoa gạo đỏ rực rỡ. Đứng trên bến, Lam nói lời nhỏ nhẹ nhưng tha thiết: Tạm biệt anh và chờ anh ở "Bến Đợi" này. Thành bồi hồi nghe hai tiếng: Bến Đợi. Cuộc đưa tiễn, một người ra tiền tuyến, người ở lại hậu phương, trên bến đò đưa tiễn và dòng sông quê, Lam gọi đó là Bến Đợi. Có lãng mạn không, cô gái học sau anh một lớp, hay đó là niềm mơ ước của tuổi trẻ trong buổi chia ly chỉ có bến đợi và mùa xuân sẽ trở về. Ngày trở về, Thành trong tâm trạng: "Hôm nay trở về một chân anh mất/Nhưng quê hương tất cả vẫn còn"(*).

Vẫn còn đây cả năm tháng và tình yêu quê hương tha thiết, thủy chung. Quê hương đó, bến đò còn đây, con đò còn đó, chỉ có Lam của Thành là đã đi xa, xa mãi.

Chuyện kể rằng những năm tháng chiến tranh ác liệt của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Con đò trên bến sông này được thay bằng những nhịp cầu phao để đưa đón các đoàn quân, xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực... ra tiền tuyến. Lam xin vào trung đội dân quân trực chiến giữ chốt ở đầu cầu cùng với tiểu đội súng phòng không 37 ly. Trong trận đánh phá cầu phao của máy bay Mỹ, trung đội của Lam đã ngoan cường đánh trả, bảo vệ cầu phao, giữ vững mạch máu giao thông. Trong trận chiến đấu ngoan cường ấy, Lam đã hy sinh. Tại đây, bên bến sông này đã dựng bia kỷ niệm, ghi lại chiến công.

Thành bồi hồi nhìn bến đò, nhìn dòng sông: Lam giờ ở đâu trong những lớp lớp sóng kia?... Thành đang đắm chìm trong những kỷ niệm về chiến tranh, về dòng sông và lời đưa tiễn trên bến sông này - "Bến Đợi" của Lam năm ấy.

Một cơn gió lạnh dưới sông hắt lên, ào qua. Đò cập bến, cô lái đò có đôi mắt to, đen láy hao hao giống Lam nở nụ cười tươi: "Em chào anh!". Thành giật mình, bừng tỉnh. Những giây phút đợi đò, Thành đã chìm vào cơn mê. Đò đến. Bến Đợi hiện ra. Thành bước chân lên đò. Con đò bồi hồi chở nắng sang sông...

(*) Thơ Nguyễn Bao

Tản văn của VŨ HOÀNG