Thương mùa củi ướt…
Xã hội - Ngày đăng : 14:02, 06/08/2021
Tháng tám đón chào bằng trận mưa trắng xóa, tầm tã dài dằng dặc mấy ngày nối tiếp nhau. Mẹ lụi cụi chạy vào chái bếp dọn dẹp lại đống củi, chất lên chỗ cao hơn mong tránh nước mưa nhỏ xuống. Mồ hôi mẹ rớt ròng ròng theo mưa, manh áo gụ ướt đẫm. Chái bếp ọp ẹp dựng tạm, mưa nắng luồn vào ghé thăm bất chợt. Đến giờ nấu, mẹ nhẫn nại lấy chút rơm rạ khô, chút trấu lót dưới bếp làm mồi lửa rồi chất củi xung quanh bếp. Củi dính mưa bắt lửa thật chậm nên khói cứ mù mịt, làm cay xè cả mắt.
Mẹ kể rằng, khi xưa mẹ và bố lấy nhau chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Sau mấy năm chăm chỉ làm ăn, tích cóp xây dựng được căn nhà nhỏ làm chỗ chui ra chui vào. Định bụng ít năm nữa sẽ xây thêm gian bếp, ấy thế mà ông trời không thương, bố bị bệnh tật dai dẳng nên làm được bao tiền đều dành cho bố chữa bệnh. Giấc mơ dựng chái bếp vững chãi vì thế mãi dang dở…
Tôi nhớ suốt những năm tháng ấu thơ, khi tháng tám chưa tới, tôi thường theo mẹ quẩn quanh khu vườn, ven bìa rừng đi nhặt nhạnh những thanh củi khô. Mẹ nhặt củi khô nhiều lắm. Nhiều lúc tôi cũng không hiểu tại sao mẹ lại dự trữ nhiều củi đến như vậy. Trong nhà chỉ có bốn miệng ăn, nấu nướng cũng khá đơn giản, vậy mà mẹ dự trữ hết cả chái bếp lẫn phía hiên nhà. Mãi sau này tôi mới hiểu ra và chính thức học được cái tính lo toan, chuẩn bị kỹ càng của mẹ. Mẹ sợ mưa dai dẳng sẽ không đủ củi đun. Với mẹ lúc nào cũng thật tươm tất trong khả năng của mình. Việc chất củi nhiều với mẹ sẽ không bao giờ là thừa.
Rồi tháng tám trời mưa ẩm ướt ghé thăm. Những ngày nhìn mưa rơi mà lòng người não nề. Tôi ngồi bên mẹ trong chái bếp ọp ẹp, mưa tong tong nhỏ xuống từ mái lá, mẹ vội vàng chạy lấy mấy chiếc chậu hứng nước. Mưa tí tách rơi trên đống củi, loang và thấm dần, thấm dần. Những thanh củi khô ngấm nước mưa dần chuyển sang màu đen thẫm, nặng trịch. Mẹ lựa chọn những thanh củi ướt ít hơn, chẻ nhỏ ra, chụm hết lượt củi này cho tới lượt củi khác vào kiềng bếp, khói bay mù mịt. Hai mẹ con sặc trong mùi khói nồng của củi ướt. Nhưng không hiểu vì sao, cho đến tận bây giờ tôi vẫn thấy hân hoan khi ngửi mùi khói từ những thanh củi ướt. Mùi khói nồng nồng, ngai ngái không biết bao lần làm tôi xao xuyến, nhung nhớ và muốn được trở lại…
Tôi và mẹ thay nhau chụm mặt vào bếp, lấy sức thổi phì phò mong lửa bùng lên. Hai mẹ con nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ bừng bừng vì nóng. Những thanh củi ướt rồi cũng kiên nhẫn, ngọn lửa nhỏ bừng lên nhẹ nhàng và nồng ấm. Mẹ nhoẻn miệng cười. Tôi đợi chờ bữa cơm. Một cảm giác ấm áp len lỏi và thật hạnh phúc khi mâm cơm được dọn ra dù hôm đó đơn sơ đạm bạc dăm ba con cá khô rang mặn, đĩa rau muống luộc và một ít lạc rang muối. Ngoài trời gió cứ rít, mưa cứ rơi, những thanh củi ướt mẹ lại chất lên bếp vừa nấu và hong khô đợi bữa sau.
Tháng tám, có những hôm trời chiều lòng người, mưa tạnh, nắng lên ít ỏi. Mẹ lại lom khom lôi củi từ chái bếp, từ hiên nhà ra sân phơi khô. Mẹ xếp đám củi thẳng tắp thành hàng. Cuối ngày mẹ lại lụi cụi xếp củi vào bếp. Củi được hong nắng ít ỏi không được khô khén như thuở mùa hè nhưng cũng bớt phần nào khói tỏa, mắt mẹ cũng bớt cay…
Tôi mang theo nhiều ký ức về những lần ở trong chái bếp với mùa củi ướt của mẹ, với bữa cơm đầy khói ẩm và những hoài bão mẹ gieo. Rồi tôi rời mẹ, rời quê và rời mùa củi ướt lên phố. Nhưng mỗi năm tháng tám về, lòng tôi lại thổn thức nhớ về nơi ấy. Chái bếp ngày xưa bố mẹ không phá đi, vẫn để đó như nhắc nhở một phần ký ức của chúng tôi, một thời gian khó nhưng luôn nồng ấm yêu thương…
Tản văn của NGUYỄN VĂN CHIẾN