Đằng sau những tấm huy chương bóng bàn SEA Games 31
Thể thao - Ngày đăng : 08:40, 17/05/2022
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng chăm sóc, xử lý tình trạng bị dồn cơ cho tay vợt Nguyễn Khoa Diệu Khánh trong một buổi tập ngày 16.5
Trong khi tập luyện cùng các đồng đội tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hải Dương chiều 16.5, tay vợt Nguyễn Khoa Diệu Khánh bị dồn cơ, vẻ mặt nhăn nhó. Nhìn thấy vậy, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng - người giữ trọng trách chăm sóc sức khỏe cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam nhanh chóng giúp Diệu Khánh xử lý vấn đề đang gặp phải. Chỉ sau vài phút được bác sĩ Thắng trị liệu ngay tại chỗ, Diệu Khánh đã có thể trở lại sân tập. Diệu Khánh cho biết: “Trước và sau mỗi trận đấu, bác sĩ đều hỏi thăm sức khỏe từng người, trị liệu ngay khi chúng tôi cần và còn tư vấn cả tâm lý để chúng tôi có một tinh thần vững vàng khi thi đấu”.
Mỗi khi các trận đấu diễn ra, bầu không khí tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao Hải Dương luôn diễn ra sôi động. Mọi ánh mắt của người hâm mộ dồn hết về phía các tay vợt. Bác sĩ Thắng ngồi sát chân tường sân nhà thi đấu, ngay phía sau Ban huấn luyện, không nhiều người để ý tới. “Tôi chăm chú theo dõi mọi diễn biến tình hình trong sân nhưng không phải xem trận đấu mà là quan sát các tay vợt có bị đau, dồn cơ hay không để còn xử lý ngay. Chỉ cần nhìn nét mặt và các động tác di chuyển của họ là sẽ biết ngay. Sức khỏe của các tay vợt phải được bảo đảm là điều quan trọng nhất với tôi”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Các nhân viên bảo vệ Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh không chỉ trực soát vé mà còn thức đêm để bảo đảm an ninh trật tự
Kể từ ngày môn bóng bàn SEA Games khởi tranh, hình ảnh những tình nguyện viên ngồi ở các dãy hành lang phía bên ngoài ăn các suất cơm hộp nguội ngắt đã trở nên quen thuộc. Họ ăn cơm trưa khi đồng hồ đã điểm 13 giờ chiều. Nhiều công nhân kỹ thuật chia ca ăn nghỉ, túc trực gần khu vực trạm biến áp, máy phát điện để bảo đảm cung cấp nguồn điện ổn định cho nhà thi đấu.
Kết thúc mỗi buổi thi đấu, trong khi người hâm mộ về nhà ăn uống, nghỉ ngơi chờ thưởng thức những trận đấu tiếp theo thì có một bộ phận nhân viên phải đi sắp xếp lại bàn ghế, lau sàn thi đấu, thu gom từng chai nước, nhặt từng túi nilon, vỏ hộp bánh kẹo, bim bim, nước ngọt vương vãi trên khắp các khán đài… “Phải sạch sẽ thì các vận động viên mới có môi trường thi đấu tốt, hơn nữa việc này còn giúp cho hình ảnh đất nước luôn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế”, một nhân viên Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh cho biết.
Một tình nguyện viên tranh thủ ăn cơm hộp ngay tại hành lang phía bên ngoài Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh
Khi trong nhà thi đấu vang lên những tràng pháo tay, hò reo cổ vũ thì ở đầu các tuyến phố Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hải Thanh, có một lực lượng vẫn trông giữ phương tiện cho người hâm mộ. Lực lượng an ninh túc trực vòng trong, vòng ngoài nơi diễn ra các trận đấu. Nhiều người trong số họ yêu thích bóng bàn. SEA Games gần 20 năm qua mới trở lại Hải Dương, họ cũng muốn trực tiếp được xem các tay vợt thi đấu như bao người. Song, vì sự an toàn của các đoàn vận động viên và khán giả nên họ đành về nhà xem lại các trận đấu qua… YouTube.
Hai phóng viên nước ngoài đưa tin về môn bóng bàn SEA Games 31 tác nghiệp ngay tại sân thi đấu
Kể từ khi môn bóng bàn SEA Games 31 diễn ra, 8 bảo vệ thuộc biên chế Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh gần như không về nhà. Họ tranh thủ đi chợ từ sáng sớm, nấu cơm ăn tại chỗ và chia nhau trực bảo vệ tại tất cả các khu vực lối ra vào. Ông Nguyễn Hoài Sơn, một nhân viên bảo vệ thông tin: “Ban đêm, mỗi người chúng tôi chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng. Chúng tôi chia ca đi tuần tra xung quanh nhà thi đấu, trông nom phương tiện, bảo vệ các gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của tỉnh”.
Để kịp thời truyền tải đầy đủ, sinh động các trận đấu bóng bàn tại SEA Games năm nay, hàng chục nhà báo, phóng viên quốc tế, trong nước cũng âm thầm làm việc cật lực. Họ quay cuồng chụp ảnh, ghi hình, có người ngồi tại sàn thi đấu sản xuất tin bài sau khi buổi thi đấu kết thúc. Bữa ăn của các phóng viên là bánh mỳ, cơm hộp và cũng có lúc bận quá đành bỏ bữa.
TIẾN MẠNH