Non nước tỉnh Đông

Xã hội - Ngày đăng : 08:23, 03/09/2022

Quê tôi ở xứ Thanh, không phải xứ Đông nhưng mỗi lần nhớ đến Hải Dương, xứ Đông cứ ám ảnh tôi không sao dứt ra được. Non nước tỉnh Đông, sao làm ta yêu dấu!

Quê tôi ở xứ Thanh, không phải xứ Đông nhưng mỗi lần nhớ đến Hải Dương, xứ Đông cứ ám ảnh tôi không sao dứt ra được. Non nước tỉnh Đông, sao làm ta yêu dấu!

Nghĩ đến tỉnh Đông, tôi nhớ ba lô những mùa vải thiều, một gói bánh đậu xanh nho nhỏ mà xưa nấn ná mãi mới dám mua vì những đồng tiền lẻ mỏng quá. Lan man Hải Dương, tuổi thơ tôi đã trôi qua tự lâu rồi với Tứ Kỳ những ngày sơ tán, với Thanh Hà những chùm vải chín đỏ... Bố tôi đã mất. Nửa đời ông gắn với Hải Dương, làm tôi cũng theo ông, lang thang xứ Đông một gói kẹo dồi.

Non nước tỉnh Đông đã có tự lâu rồi. Hải Dương có Văn miếu Mao Điền, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Quốc Tử Giám. Tên gọi Hải Dương chính thức có từ năm 1469. Hải là biển. Dương là ánh sáng, ánh mặt trời. Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải (phía đông) chiếu về”. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã đánh giá Hải Dương là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long. Non nước tỉnh Đông, nghe thế đủ biết tỉnh Đông hữu tình thế nào.

Non nước tỉnh Đông, tôi nhớ đến danh thắng đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, núi Phượng Hoàng ở Chí Linh; động Kính Chủ, núi An Phụ ở Kinh Môn; chùa Giám ở Cẩm Giàng; đảo cò Thanh Miện...

Non nước tỉnh Đông, tôi nhớ đến danh nhân. Thời xưa có Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi... Thời nay, có cha con nhà báo, nhà văn hóa Phạm Quỳnh - nhạc sĩ Phạm Tuyên quê ở Bình Giang; ba anh em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam trong nhóm Tự Lực Văn đoàn quê ở Cẩm Giàng, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Khôi quê Kim Thành, nhà thơ Trần Đăng Khoa ở Nam Sách...

Những tên tuổi chính khách thời nay: Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Phạm Thế Duyệt, Vũ Đức Đam..., tôi nhớ không hết được. 

Non nước tỉnh Đông, tôi nhớ đây là quê hương của làng nghề truyền thống chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (Nam Sách), của vải thiều Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, bánh đậu xanh...   

Non nước tỉnh Đông xưa, tôi nhớ sự hiếu học và truyền thống khoa bảng, nơi có 11 trạng nguyên. 

Giá trị và cốt cách của văn hóa xứ Đông là sức mạnh nội sinh để Hải Dương hiện thực hóa khát vọng phát triển. Văn hóa xứ Đông, những nét đặc trưng riêng có của xứ Đông xưa và Hải Dương ngày nay - nhân dân tỉnh Đông đang nuôi những khát vọng đó để văn hóa xứ Đông tỏa sáng.

LÊ TUẤN LỘC