Nếp nhà
Xã hội - Ngày đăng : 09:48, 10/01/2023
Sau thanh minh, nắng lên hong trời khô đất ráo, trở về từ một chuyến chợ phiên nào đó, bố tôi mang theo đôi lợn giống chỉ nhỉnh hơn cái phích hai lít. Đôi lợn ấy làm bạn với cái chuồng có đôi gióng tre chắn ngang trước cửa cho đến tận ngày 30 Tết, còn chúng tôi hằng ngày nhặt nhạnh cho những nồi cám đặc sít bèo rong vài con ngoé vồ trong đám mai nước bên bờ ao cả, mớ ruột ốc, con rắn mòng hay thìa mắm cá để dành từ vụ tát mương be máng cuối năm.
Xóm nghèo cho chúng tôi những cái Tết để dành trong mùi khói lá. Cuối hè, bố tôi dọn vườn nhãn sau mùa quả, xếp những thanh củi lớn lên giàn, trên đám gộc tre tích dần từ những bụi tre già ra hoa rồi lụi. Giàn củi dành chất bánh chưng bên hiên bếp được hong khô bằng khói. Khói lá nhãn, lá vải, lá chuối, lá xà cừ... tất cả các loại lá chị em tôi nhặt về cất gọn vào bao, xếp thành hàng trong góc bếp. Nhà tôi ít ruộng, rơm rạ cấy trồng chỉ dành cho dịp cuối năm hay giỗ chạp, nhưng dẫu mỗi năm chỉ đôi lần rạ rơm lên khói cũng đủ để giàn củi khô tròn vị, ủ mùi thơm thấm đều trong vị bánh đón giao thừa.
Chúng tôi còn gom Tết về, bốn mùa, từ ngoài ngõ. Con ngõ dài ngoằn ngoèo như ruột gà có một mảnh vườn cao với thân duối mục bên rào. Nếu mùa hè, sau những trận mưa, thân gỗ ẩm cho chị em tôi mỗi ngày vài cánh mộc nhĩ ta - những chiếc tai nhỏ cúp dầy như bẹ cải âm thầm khô quắt lại thành chuỗi trên sợi dây thép nhỏ treo đầu gió thì sang thu rặng cúc tần lại cho mẹ tôi những nắm tơ hồng đọng mật phơi khô lót dưới đáy cái chum đại trữ tất cả những gì mẹ dành cho Tết: vài phên đường đen bọc lá chuối, túm đỗ xanh lòng vàng, bọc củ cải phơi sương, ít ngô nếp, khoai hay chuối tiêu sấy khô trên giàn củi mía xin về sau mùa kéo mật…
Tết có màu hoa giấy, hoa dơn, hoa thược dược tự tay chị em tôi cắt, dán rồi lên bông trên những thanh cật tre quấn màu xanh lá, cắm hai bên ban thờ có đôi câu đối viết bằng mực Tàu trên nền giấy đỏ bố tôi vừa mua về ở chợ phiên: “Tổ tiên công đức muôn đời thịnh/ Con cháu thảo hiền vạn tiết xuân”. Tết có màu hoa vườn - màu hoa chùm li ti, đầy cơi lên như lửa của những chậu sống đời em tôi chăm tưới suốt từ ngày tàn Tết cuối xuân; có màu hồng mang về từ vườn ngoài - màu hoa của cây đào mạ héo rũ tôi nhặt về từ ruộng đào vào một chiều ba mươi Tết năm nào. Tết có màu lá xanh li ti lẫn giữa những cánh hoa trắng - hoa mùi già tôi gieo trong vại đất nung rồi mang về để bên thềm đất. Tết có màu vạt dong ta dưới bóng nhãn già - những tàu lá nhỏ nhưng mướt đều bởi được bón bằng phân tằm ủ trong tro bếp suốt từ khi kết thúc vụ tằm xuân...
Và Tết bắt đầu về trong tiếng chân rậm rịch dọc đường làng, tiếng gọi nhau mỗi nhà một người đi tát ao hợp tác. Tiếng gầu đôi, gầu ba ì oạp suốt mấy ngày đêm. Nước cạn dần trong nỗi háo hức của lũ trẻ con ngồi chầu hẫu trên bờ chờ lúc được ào xuống hôi tháo khoán. Ngày chia cá hay chia thịt cuối năm, bao giờ sân kho hợp tác cũng là nơi rộn ràng nhất. Cá xiên mang, thịt xâu lạt, cặp lồng hay âu nước xuýt đựng trong rổ... Ba ngày cuối cùng của năm, màu của Tết đọng hết trong vị khói khi bố tôi bắt đầu nhen gộc củi, ủ mùn cưa, mùn trấu giữ lửa suốt từ hăm bảy đến hết mùng một năm sau. Nhà tôi nghèo nhưng bởi cả năm chăm đẵm, chắt chiu gom nên khói Tết năm nào cũng lên tròn vị, đủ tất cả những cay đắng, ngọt bùi.
Và cũng từ sáng ba mươi, Tết có thêm vị gió đồng. Gió ấm và mưa phùn quẩn chân người trong mùi khói hương người sống thắp mời ông bà, cô bác về ăn Tết. Rất nhiều người nằm dưới đất ấm ngợp cỏ xanh kia chúng tôi không biết mặt, nhưng tên thì nhớ vì năm nào bố tôi cũng nhắc, không thiếu một người. Bố bảo người thân của mình ở đấy cả năm cũng chờ cái Tết để về sum họp nên dẫu nghìn thứ việc thì sáng ba mươi, việc đầu tiên phải nhớ là đi mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, đừng ham vui mà nhãng đi, không về được, người chết nằm đấy, tủi phận, người sống cũng chẳng yên lòng. Con trai hay con gái cũng thế, cũng có tổ tiên, ông bà sinh thành, sau này lớn, Tết dẫu giàu hay nghèo cũng phải khắc ghi điều ấy.
Những cơn gió đồng mang mang màu Tết thổi từ ký ức đến bây giờ tính đã mấy chục năm nhưng không nhạt, chẳng phai mà vẫn sắc vẫn tươi, vị vẫn tròn nguyên như bao nhiêu năm cũ, vẫn bắt đầu từ cuối tháng giêng bằng việc hạ gốc đào trả xuống đất vườn nhà mẹ, khởi đầu cho những chăm chút, tưới vun, gìn giữ cho cái Tết mùa sau...
NGUYỄN HẢI YẾN