Bánh chưng khuôn lá dừa

Xã hội - Ngày đăng : 09:15, 23/01/2023

Tết năm nào cũng thế, cứ cách thời điểm giao thừa chừng 15 phút là bố tôi lại đặt lên bàn thờ gia tiên 2 chiếc bánh chưng gói bằng lá dừa. Trong khói hương trầm mặc, đôi mắt bố chăm chú nhìn vào di ảnh ông bà nội, miệng lẩm nhẩm khấn bái điều gì đó. 


Bánh chưng gói bằng khuôn lá dừa 

Với đa số người dân, bánh chưng gói bằng khuôn lá dừa giờ chỉ còn là ký ức. Thời nay, người ta thường gói bánh chưng Tết bằng lá dong, vừa nhanh, vừa đẹp. Thế nhưng bố và cả chú ruột của tôi nhà cạnh bên vẫn duy trì gói bánh chưng bằng khuôn lá dừa. Bố kể biết gói bánh là do được ông và cụ nội tôi truyền cho. Mẹ tôi nhiều lần khằn khò, bảo gói bánh chưng bằng khuôn lá dừa cầu kỳ, phức tạp, hình thức lại không được đẹp mà sao bố phải làm cho bận người. Bố chỉ cười khì rồi bảo đó là một trong những việc thích nhất khi Tết đến, xuân về. 

Trước đây hay bây giờ vẫn thế, cứ tầm 27 Tết là bố đi xin lá dừa. Bố chọn những tàu dừa lá xanh thẫm, không non cũng không già. Bố nhặt khoảng đôi ba chục lá, tuốt lấy phần cuống. Chặt một đoạn cuống lá dừa dài chừng 12cm dùng làm thước đo. Những cuống lá còn lại thì chặt ngắn tầm 2 đốt ngón tay nhưng phải vát hai đầu để làm ghim. 

Với những lá dừa còn lại, bố dùng dao chặt đầu đuôi làm sao giữ chiều dài phiến lá còn khoảng 50cm. Mẹ tôi lấy khăn lau sạch từng chiếc lá. Lá lau xong, bố lấy thước đo chuẩn bị từ trước đặt vào mặt sau lá dừa rồi gập thành 4 đoạn và ghim lại. Khuôn lá dừa hình thành một cách khá đơn giản. Xếp hai khuôn như vậy chồng lên nhau, tiếp tục ghim lại cho khít là sẽ có một chiếc khuôn dừa hoàn chỉnh dùng để gói bánh chưng.

Nếu chỉ có khuôn lá dừa không thể gói bánh chưng mà cần phải có thêm lá chuối. Thứ lá này thì ở quê tôi có sẵn. Bố chọn những tàu lá chuối bánh tẻ, lau sạch, dùng kéo cắt thành nhiều miếng vuông khác nhau. Lá chuối ghép vào trong khuôn dừa cho kín đáy để cho gạo, nhân đỗ xanh, thịt xào vào trong, lấy dây lạt buộc lại như gói bánh chưng thông thường. 


Trong xã hội vẫn còn không ít gia đình, kể cả ở thành thị vẫn duy trì truyền thống gói bánh chưng bằng khuôn lá dừa

Năm nào trước khi gói bánh chưng khuôn lá dừa bố cũng gọi cho tôi hỏi có về được không. Dù tôi về hay không về kịp thì bố cũng gói cho tôi và mấy anh em một vài chiếc bánh chưng cỡ nhỏ chỉ bằng 1/3 chiếc bình thường. Nghe bố kể, ngày còn bé, ông nội cũng thường làm vậy cho bố tôi và mấy anh em trong nhà. Bố cũng làm điều tương tự với chúng tôi. 

Chẳng hiểu sao, mỗi lần cầm trên tay chiếc bánh chưng gói bằng lá dừa nhỏ nhỏ, xinh xinh trong lòng tôi lại vui sướng đến lạ. Tôi cảm nhận được tình thương yêu của bố dành cho tôi, hiểu được hành động vì sao ông vẫn duy trì thói quen gói bánh chưng bằng khuôn lá dừa. Dù bố chẳng bao giờ nói ra nhưng tôi hiểu được thông điệp bố muốn nhắn nhủ qua thói quen mỗi dịp Tết đến của mình. Đó là con người ta dù địa vị xã hội có khác nhau, giàu hay nghèo, dù thành công hay thất bại trong cuộc sống thì Tết đến phải trở về nguồn cội, sum họp bên gia đình, làm những việc có ý nghĩa để tưởng nhớ, tri ân đấng sinh thành dưỡng dục, tưởng nhớ ông bà, bố mẹ, tổ tiên. 

Tết năm nay, tôi về thì bố đã gói xong mẻ bánh chưng khuôn lá dừa. May mắn là vẫn có thời gian được ngồi trông nồi bánh cùng bố. Màn đêm buông xuống, nhiệt độ ngoài trời giảm sâu, nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút trên bếp củi cháy bập bùng toả ra thứ hương thơm chỉ Tết về mới có. Nó thật ấm áp làm sao.

TIẾN MẠNH