Giám đốc của nông dân
Kinh tế - Ngày đăng : 09:39, 08/08/2023
Mỗi năm, anh Hanh thu lãi trên 900 triệu đồng từ các lồng nuôi cá trên sông
Xã Tiền Tiến được thiên nhiên ưu đãi với vùng đất bãi sông rộng lớn, đầy ắp phù sa, nhưng trước đây nông dân chỉ quen trồng một số loại rau màu nên giá trị kinh tế không cao. Nhận thấy tiềm năng lớn để phát triển cây cà rốt, năm 2005, anh Hanh thuê đất và mở xưởng sơ chế cà rốt tại địa phương. Chưa có kinh nghiệm sản xuất, không có mối hàng nên chỉ sau thời gian ngắn hoạt động anh phải bỏ dở.
“Trong khoảng thời gian xưởng cà rốt đóng cửa, tôi đã đi nhiều nơi để tìm các mối làm ăn. Ngoài tham quan, học hỏi tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng - nơi có vựa cà rốt lớn nhất tỉnh, tôi còn vào TP Hồ Chí Minh lân la vài tháng trời ở các khu chợ đầu mối lớn để tìm đối tác làm ăn. Ban đầu chỉ là các mối hàng nhỏ, nhưng sau một vài năm đã có nhiều đối tác lớn", anh Hanh kể. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, năm 2011, anh mở lại xưởng cà rốt và thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hanh Khánh. Từ đó, anh đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Anh Hanh đã đứng ra hướng dẫn nông dân xây dựng vùng sản xuất cà rốt tập trung tại địa phương, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, nâng cao năng suất. Tiền Tiến hiện có 70 mẫu trồng cà rốt ngoài bãi sông. Toàn bộ diện tích trồng cà rốt được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhà ông Nguyễn Văn Chinh ở thôn Cập Nhất có hơn 3 mẫu trồng cà rốt ngoài bãi sông.
Ông Chinh chia sẻ: “Nhờ sự hướng dẫn của anh Hanh, phần lớn nông dân đều chuyển sang trồng cà rốt thay vì trồng xen canh các loại rau màu khác. Sản xuất tập trung, được doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật và trực tiếp bao tiêu sản phẩm nên nông dân yên tâm sản xuất. Năng suất cà rốt tăng cao so với trước đây. Mỗi sào cà rốt, chúng tôi thu lãi trung bình từ 3 - 4 triệu đồng”.
Xưởng cà rốt của gia đình anh Hanh tạo việc làm cho khoảng 50 lao động thời vụ (ảnh tư liệu)
Ngoài 10 mẫu trồng cà rốt của gia đình, doanh nghiệp của anh Hanh bao tiêu gần 300 mẫu trồng cà rốt ở xã Tiền Tiến và các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, TP Chí Linh… với sản lượng 600.000 tấn/vụ. Hiện xưởng sơ chế cà rốt rộng 800 m2 của anh Hanh tạo việc làm cho khoảng 50 lao động thời vụ tại địa phương (do cà rốt có mùa nên lao động làm từ tháng 11 năm nay tới tháng 3 năm sau) với thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là xưởng sơ chế cà rốt duy nhất tại địa phương. Mỗi năm, anh Hanh thu lãi cả tỷ đồng từ sơ chế và xuất khẩu cà rốt.
Không chỉ làm giàu từ cây cà rốt, từ năm 2016, anh Hanh bắt đầu nuôi cả cá lồng. Theo anh Hanh, nuôi cá lồng tuy đầu tư lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt cá thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Nhờ chăm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nên cá nhà anh nhanh lớn, ít bị dịch bệnh. Trong khi nhiều hộ nuôi cá lồng điêu đứng vì thua lỗ thì anh vẫn có lãi. Hiện với gần 20 lồng nuôi cá trên sông, mỗi năm anh thu lãi gần 900 triệu đồng từ các lồng nuôi cá trên sông.
Những thành công nối tiếp đã giúp anh Hanh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2017 - 2022.
TRẦN HIỀN